Khởi công công trình thả phao đánh dấu vùng biển đồng quản lý

Kinh tế - Ngày đăng : 15:38, 22/12/2022

BTO - Sáng 22/12 tại xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam) đã diễn ra Lễ khởi công thả phao đánh dấu vùng biển đồng quản lý. Dự lễ có ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đại diện lãnh đạo Hội Nghề cá Việt Nam và các đơn vị tài trợ dự án.

 Về phía chính quyền địa phương có lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh, lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam và hơn 60 ngư dân thuộc 3 xã vùng biển Tân Thành, Tân Thuận, Thuận Quý.

z3979137218879_3f7b217eb4c26e7ca50de9f72470c2f0.jpg
Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam-Lê Thị Bích Liên phát biểu tại lễ khởi công.

Phát biểu tại lễ khởi công, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam- Lê Thị Bích Liên nhấn mạnh, từ năm 2017, được sự quan tâm của UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện Dự án mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ và được sự tài trợ các dự án vừa và nhỏ tại Việt Nam (GEF/SGP) đã tài trợ kinh phí và nguồn vốn đối ứng tại địa phương thực hiện mô hình. Đến nay, dự án được thực hiện trên diện tích mặt biển là 43,4 km2, thành lập được 3 hội cộng đồng ngư dân/ 3 xã. Chính quyền địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên liên quan, giúp dự án quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua thực hiện mô hình đến nay đã cho kết quả rõ rệt, các loại hải sản đã di trú đến, riêng thủy sản 2 mảnh vỏ như sò lông đã phục hồi dưới đáy biển. Từ đó mang lại nguồn thu nhập cho ngư dân hành nghề khai thác biển. Theo lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam, đây là dự án hết sức quan trọng, nhằm hạn chế tình trạng vi phạm giã cào bay, xác định ranh giới, cắm mốc vùng biển đã được giao quyền quản lý cho Hội cộng đồng 3 xã vùng biển huyện Hàm Thuận Nam. Đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

z3979137317258_4e1c432aef7e22820e57a95c6b07c425.jpg
Lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam, nhà tài trợ và ngư dân tại lễ khởi công.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Nam cho biết, vừa qua các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát trên biển, tham vấn kinh nghiệm của cộng đồng ngư dân, nhà khoa học để xây dựng các phương án triển khai. Theo đó, dự án công trình thả phao đánh dấu vùng biển đồng quản lý sẽ sử dụng hệ thống 23 phao neo, bao gồm phao trung tâm là phao sắt (3 điểm), phao đánh dấu bằng nhựa (20 điểm); sử dụng hệ thống neo rùa etrapod trọng lượng khoảng 5 tấn/neo (23 điểm). Trong đó 3 điểm sử dụng phao lớn là Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận. Riêng 20 điểm sử dụng phao nhỏ gồm Thuận Quý 10 điểm, Tân Thành 5 điểm, Tân Thuận 5 điểm.

z3979167462115_b0e98478173a240bd33b6bea0baafe5e.jpg
Ngư dân Hàm Thuận Nam tại điểm tập kết phao sắt chuẩn bị thi công.

Tổng kinh phí thực hiện 1,3 tỷ đồng, do Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn VINGROUP tài trợ trên 1,2 tỷ đồng và ngân sách huyện hỗ trợ 53 triệu đồng. Sau lễ khởi công, các hệ thống phao neo đã tập kết tại các vị trí dự kiến thả phao của các Hội cộng đồng và sẽ triển khai thực hiện thi công sau đó.

z3979137369683_8b8cfbb561ca29f78ce9c8f202bddba0.jpg
Vận chuyển phao sắt xuống vùng biển quản lý.

Huyện Hàm Thuận Nam có chiều dài bờ biển 23 km, đặc điểm là bãi ngang thuộc địa phận 3 xã Tân Thuận, Tân Thành và Thuận Quý. Hiện địa phương có trên 465 hộ dân sinh sống bằng đánh bắt hải sản, phương tiện đánh bắt chủ yếu là tàu, thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, với tổng số tàu, thuyền là 135 chiếc.

z3979181872042_47c507cd8fd8749cf4d7f3b28c60a345.jpg
Vùng biển xã Tân Thành, Hàm Thuận Nam.

Trong những năm gần đây sản lượng khai thác thủy hải sản ngày một giảm do quá trình khai thác, quản lý bảo vệ nguồn lợi chưa tốt. Đồng thời do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn gây ra, đời sống của ngư dân sống ven bờ còn gặp nhiều khó khăn.

Kiều Hằng