Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả và bền vững

Chính trị - Ngày đăng : 09:21, 26/12/2022

Nghị quyết số 20-NQ/TW (NQ 20) của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tỉnh ủy cũng đã ban hành chương trình hành động với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để cùng cả nước triển khai thực hiện tốt NQ 20 của Trung ương.

nghi-quyet-tinh.jpg
Bình Thuận học tập, quán triệt các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương. Ảnh: N.Lân

Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Thuận thực hiện NQ 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã đánh giá 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, cho thấy: Nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức kinh tế và nông dân về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể được nâng lên; kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng, quy mô, phạm vi và hiệu quả hoạt động; Phần lớn các hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012; nhiều hợp tác xã được củng cố về tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động; quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh được nâng lên, góp phần hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ và xã viên. Hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được một số hợp tác xã thực hiện đạt hiệu quả bước đầu; nhiều hợp tác xã chú trọng liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đã xuất hiện một số mô hình hợp tác xã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cần được đánh giá, nhân rộng. Tuy nhiên, công tác quán triệt, tuyên truyền về Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI), Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa thường xuyên và sâu rộng. Phần lớn các hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển chưa đều trên các lĩnh vực, địa bàn. Một số hợp tác xã hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp; việc tác động hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa khuyến khích, thu hút nhiều xã viên tham gia. Mô hình hợp tác xã kiểu mới chưa nhiều, số hợp tác xã liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao còn ít. Hoạt động của các tổ hợp tác còn nhiều khó khăn, lúng túng. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn nhiều bất cập; trình độ, năng lực của cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã, tổ hợp tác còn nhiều hạn chế; một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể chưa triển khai kịp thời…

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn kết quả và hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012. Chương trình hành động thực hiện NQ 20, Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu tổng quát là phải phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả và bền vững. Ngày càng có nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, cùng có lợi, bảo đảm quyền và lợi ích của các thành viên; thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình và tổ chức kinh tế, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia, góp phần huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng xã hội hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030: Toàn tỉnh có hơn 5.400 tổ hợp tác, với khoảng 210 nghìn thành viên; gần 250 hợp tác xã với khoảng 05 nghìn thành viên, không có hợp tác xã tồn tại hình thức; thành lập mới 02 liên hiệp hợp tác xã với khoảng 40 hợp tác xã thành viên. Có ít nhất 70% tổng số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, trong đó phấn đấu có từ 50% hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Và đến năm 2045: Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Bảo đảm từ 90% trở lên tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, phấn đấu có 75% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Tỉnh ủy yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiểu rõ bản chất mô hình hợp tác xã kiểu mới, coi trọng lợi ích của thành viên, lợi ích của việc hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau mang lại cho từng thành viên và tập thể. Xác định rõ phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đưa nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Thông qua các hoạt động của hệ thống chính trị kịp thời chia sẻ kinh nghiệm, động viên khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, theo đó phải thực hiện tốt hàng loạt chính sách như: Chính sách phát triển nguồn nhân lực; Chính sách đất đai; Chính sách tài chính - tín dụng; Chính sách khoa học - công nghệ; Chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng thời phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chức năng vận động, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đến nhân dân về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; vận động, hỗ trợ thành lập mới các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể điển hình, tiên tiến, hoạt động có hiệu quả cao.

Bảo Tín