Có kỹ năng số sẽ quyết định chất lượng nguồn nhân lực

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:39, 27/12/2022

Như chúng ta đã biết, nguồn nhân lực luôn được xem là một yếu tố tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, đây cũng là nguồn lực quan trọng quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực.

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các nước đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc trang bị những kỹ năng số cho người lao động là một trong những điều quan trọng, có vai trò quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực.

nhan-luc-la-gi-vai-tro-cua-nguon-nhan-luc-voi-doanh-nghiep-1.jpg

Kỹ năng số bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép con người tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái công việc và tính chất công việc không ngừng thay đổi. Với ý nghĩa đó, phát triển nguồn nhân lực được tỉnh xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bởi vì tỉnh đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Tuy nhiên, nhân lực còn yếu về chất lượng, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Thực tế hiện nay cho thấy, sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh và xu hướng ứng dụng robot vào sản xuất, kinh doanh đang đặt ra thách thức đối với thị trường lao động của cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Chính vì vậy nguồn lao động dồi dào sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài như trước bởi mức độ đáp ứng các kỹ năng số của người lao động trong các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 của người lao động còn hạn chế. Hầu hết người sử dụng lao động cho rằng người lao động mới đáp ứng về công nghệ số ở mức trung bình và thấp, thậm chí còn rất thấp. Do đó, người lao động phải thay đổi phương thức làm việc để có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số…

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Tỉnh ủy (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 11 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Sau khi thực hiện Nghị quyết số 11, nguồn nhân lực của tỉnh có sự phát triển cao hơn một bước, cơ bản đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông luôn được chú trọng nhằm đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao cung ứng cho thị trường lao động trong tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề đã có những cải tiến trong hoạt động tuyển sinh với nhiều cách thức triển khai đa dạng, hệ thống trường lớp tiếp tục được sắp xếp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Nhưng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin như hiện nay thì hiệu quả ở từng lĩnh vực cho thấy nguồn nhân lực của tỉnh có mặt chưa đáp ứng tốt so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nhân lực lao động có tay nghề cao chưa nhiều, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, lao động có việc làm nhưng chưa ổn định còn nhiều, nhân lực chất lượng cao còn thiếu, thiếu chuyên gia, nhà khoa học, thiếu nguồn lao động được đào tạo ở một số lĩnh vực kỹ thuật.

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với xu hướng phát triển kỹ thuật số như hiện nay, đòi hỏi các cấp, ngành và địa phương cần phải tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy (khóa XIII) với quyết tâm cao hơn, hiệu quả phải cao hơn so với giai đoạn trước. Phát triển nguồn nhân lực phải bao gồm cả về trí lực, thể lực, đồng thời gắn kết với nhu cầu vị trí việc làm, nhu cầu xã hội và xem đây là một trong những giải pháp lớn, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển mạnh 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cho các cơ sở giáo dục, đào tạo. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao trên các lĩnh vực thế mạnh, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

THANH QUANG