Chú trọng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:59, 27/12/2022

Những năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện theo hướng tăng cường năng lực, chất lượng và nâng cao hiệu quả đào tạo. Nhờ đó, năng lực đào tạo ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Quan tâm đầu tư

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, công tác GDNN luôn được tỉnh dành sự quan tâm đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 18 cơ sở GDNN thì đến nay đã có 25 cơ sở GDNN, trong đó, có 16 cơ sở công lập và 9 cơ sở ngoài công lập. Đối với các cơ sở GDNN công lập, tỉnh từng bước xây dựng và hoàn thiện theo hướng tăng cường năng lực, chất lượng và nâng cao hiệu quả đào tạo của các trường cao đẳng, Trung tâm GDNN – Giáo dục thường xuyên cấp huyện theo Kế hoạch số 992 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 43 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Từ đó, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng công tác phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề.

dao-tao-nganh-sua-chua-o-to-anh-n.-lan-.jpg
Ảnh minh họa. N.Lân

Đối với các cơ sở ngoài công lập, tỉnh tiếp tục kêu gọi, tăng cường và phát huy có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng… Đồng thời, ban hành chính sách để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở dạy nghề và các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thêm các cơ sở GDNN ngoài công lập. Thực hiện bình đẳng chế độ ưu đãi giữa cơ sở GDNN công lập và ngoài công lập; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển cơ sở GDNN ngoài công lập. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề nhằm phát huy có hiệu quả cơ chế chính sách về đầu tư xã hội hóa trong quy hoạch cơ sở GDNN ngoài công lập. Tiếp tục phát triển các cơ sở GDNN ngoài công lập bao gồm các trường, trung tâm GDNN ngoài công lập, doanh nghiệp có đăng ký tham gia hoạt động GDNN…

Chú trọng trang bị cơ sở vật chất

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị của địa phương và Trung ương, hàng năm các trường tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo theo quy mô và phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động tại địa phương. Trong đó, các trường tập trung nguồn kinh phí thực hiện Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” cho các nghề trọng điểm như: Quản trị khu resort (cấp độ ASEAN); Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Điện công nghiệp; Cơ điện tử; Kỹ thuật chế biến món ăn (cấp độ Quốc gia). Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút được người học thể hiện qua quy mô đào tạo các nghề trọng điểm của các trường ổn định và tăng theo hàng năm.

Song song đó, cơ sở vật chất hàng năm được tăng cường đầu tư cho các trường, trung tâm GDNN công lập cấp huyện từ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề; chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động. Thiết bị dạy nghề được trang bị cho các cơ sở GDNN công lập gồm các nghề như: Điện cơ; Điện dân dụng; Sửa chữa máy nông nghiệp; Sửa chữa thiết bị lạnh; Hàn; Cắt gọt kim loại; Sửa chữa lắp ráp máy vi tính; May công nghiệp; Kỹ thuật chế biến món ăn… Thiết bị đào tạo nghề được sử dụng đúng mục đích, phát huy tính hiệu quả.

Có thể khẳng định, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các phương tiện giảng dạy và học tập hiện đại tại các cơ sở GDNN sẽ góp phần đào tạo nên đội ngũ lao động có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

K.Anh