Xây dựng thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:02, 27/12/2022
Đưa sách đến gần hơn với học sinh
Thứ 4 hàng tuần, sân trường Trường THPT Phan Thiết có vẻ bớt huyên náo. Thay vào đó, mọi bước chân và ánh mắt cứ thế hướng về tủ sách đặt một góc giữa sân. Trên dãy ghế đá, những mái đầu chụm vào nhau theo dõi, bàn tán về chủ đề mà cuốn sách nêu lên. Hình ảnh ấy khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi sống trong thế giới bùng nổ thông tin như hiện nay, thực tế con người, đặc biệt là những người trẻ dễ dàng tiếp nhận thông tin, tri thức nhân loại dựa trên nền tảng internet hay các mạng xã hội so với thời gian dành cho việc đọc sách.
Đọc sách mang lại nhiều điều bổ ích, giúp hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần và góp phần xây dựng xã hội học tập. Những năm gần đây, văn hóa đọc được các trường học trong tỉnh quan tâm hơn trước, trong đó có nhiều hoạt động khuyến khích niềm đam mê đọc và tìm hiểu về sách.
Cùng xuống tìm sách với học sinh, cô Trần Thị Bảo Chi – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thiết chia sẻ: Với ý nghĩa thiết thực mà sách và việc đọc sách đem lại, những năm gần đây, nhà trường đã quan tâm nhiều hơn đến văn hóa đọc. Nhiều hoạt động khuyến khích, cổ vũ thói quen đọc sách được tổ chức, trong đó có việc đưa sách từ thư viện xuống sân trường, bổ sung nguồn sách, viết cảm nhận về cuốn sách hay, tặng sách, thi đua, tuyên dương các lớp có số lượng mượn sách nhiều. Hiện thư viện nhà trường khá chật và nằm xa các lớp nên các cuốn sách kỹ năng sống sẽ được phân ra ở Phòng tư vấn học đường, tủ sách nhân ái tại 9 phòng học… Đây cũng là cách giúp các em thay đổi nhận thức, mở rộng kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành kỹ năng sống.
Còn tại Trường THPT Phan Bội Châu, một trong những hoạt động khuyến đọc mà Đoàn trường và Tổ Giáo dục công dân, Ngữ văn vẫn thực hiện thường xuyên đó là sưu tầm những câu chuyện, cuốn sách hay gửi đến học sinh trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm và bố trí tiết đọc sách vào cuối tháng. Khuyến khích các em tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo phát động, nhằm phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, kế hoạch hành động phát triển văn hóa đọc phù hợp với lứa tuổi. Mới đây, em Hứa Quốc Thiện - lớp 12A13, 1 trong 2 học sinh Bình Thuận đạt giải khuyến khích cuộc thi, với cuốn sách truyền cảm hứng “Sống như vầng thái dương” của tác giả Lý Nguyệt Lượng, Bắc Thần (Trung Quốc).
Thiện cho biết: Từ khi còn học THCS, sách như một người bạn của em. Cũng nhờ sách mà em học tốt hơn các môn học xã hội, đây là hành trang để em nuôi dưỡng ước mơ làm nghề luật sư.
Đầu tư phát triển văn hóa đọc
Ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Isarel, trong mỗi gia đình đều có một tủ sách đẹp, bắt mắt. Đọc sách giúp con làm bạn với sách trước khi bắt đầu tiểu học. Kỹ năng đọc sẽ được rèn luyện khi vào tiểu học, nâng dần lên tại các cấp sau này. Còn theo số liệu khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, có tới 44% người Việt thi thoảng đọc sách và 26% không bao giờ đụng vào sách. Một số nguyên nhân được chỉ ra là việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức từ gia đình đến trường học. Ba mẹ không đọc sách, không tìm nguồn sách phù hợp, thư viện trường nghèo nàn đầu sách, chương trình học “thiếu vắng” giờ đọc sách…
Nhận ra điều này, ngày càng nhiều không gian đọc sách cho trẻ em, học sinh được quan tâm, phát triển mở rộng. Tuy nhiên, muốn duy trì thói quen, lan tỏa niềm đam mê đọc sách lâu dài trong giới trẻ đòi hỏi phải có sự quan tâm bền bỉ nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đối với công tác thư viện. Trong đó chú trọng xây dựng nguồn sách phong phú và cập nhật sách mới thường xuyên, tạo không gian đọc thoáng mát, nhiều tiện ích, tổ chức đa dạng các hoạt động tương tác để hấp dẫn, lôi cuốn các bạn trẻ đọc sách. Bên cạnh đó, việc xây dựng tủ sách ở gia đình cũng rất quan trọng, bởi thói quen đọc sách cần xuất phát từ gia đình, nếu thói quen đó không được tạo lập từ gia đình thì môi trường cộng đồng khác cũng rất khó mà xây dựng được.
Em Hứa Quốc Thiện tiết lộ: Thấy em cứ hết giờ học bài, rảnh rỗi là sà vào chơi điện tử nên bà nội ép đọc sách. Ban đầu thì khó chịu, nhưng mỗi ngày đọc vài trang, lâu quen dần rồi ghiền sách luôn. Vì thế em nghĩ tại các trường nên thành lập câu lạc bộ đọc sách và tuyên truyền về các lớp. Tổ chức hoạt động ngoại khóa chủ đề xoay quanh văn hóa đọc và tích cực truyền tải ý nghĩa của việc đọc sách. Phát động phong trào đọc và cảm nhận sách đổi quà đến các lớp. Đồng thời quan tâm và tổ chức thường niên ngày hội đọc sách đến học sinh bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế, mang tính sáng tạo, thu hút.
Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 đặt ra mục tiêu năm 2030 người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, hiểu biết tại nơi sinh sống, học tập và công tác, đồng thời các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc tiếp tục duy trì và lan tỏa. Môi trường đọc ngày càng được cải thiện, nhiều không gian đọc mới mở ra, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Hy vọng từ những cuộc thi, những ngày hội, những tủ sách lớp học, trường học cùng những không gian đọc trong mỗi gia đình... sẽ từng bước gieo những hạt giống tốt, hình thành lớp người đọc trẻ và xây dựng được thế hệ đọc tương lai.
“Nếu tuổi thơ không có sách, sẽ như không có tuổi thơ. Điều đó giống như bị đuổi khỏi nơi thần kỳ mà bạn có thể tới và tìm được niềm vui quý hiếm nhất” - Astrid Lindgren, nữ nhà văn Thụy Điển.