Toàn tỉnh chỉ còn 3 làng nghề truyền thống hoạt động

Kinh tế - Ngày đăng : 05:12, 29/12/2022

Trong năm 2022, tỉnh Bình Thuận có 10.552 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn, trong đó có 9.952 hộ gia đình, 28 HTX, 278 doanh nghiệp tư nhân, 132 công ty TNHH, 63.377 lao động.

Các cơ sở hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn còn ở quy mô vừa và nhỏ, thiết bị máy móc chưa hiện đại, hiệu quả đem lại chưa cao, chưa bền vững, ngành nghề nông thôn vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, sản phẩm làm ra chưa tiếp cận được nhiều với thị trường xuất khẩu.

img_0091_1.jpg
Làng nghề bánh tráng Phú Long (ảnh: T. Duyên)
img_0066_1.jpg
Làng nghề bánh tráng Phú Long (ảnh: T. Duyên)

Đầu năm 2022, toàn tỉnh có 4 làng nghề hoạt động. Tuy nhiên đến tháng 10/2022, UBND tỉnh ban hành quyết định bãi bỏ danh hiệu Làng nghề đan lát hàng thủ công mỹ nghệ xã Đông Hà, huyện Đức Linh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 3 làng nghề còn hoạt động là Làng nghề bánh tráng Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, được UBND tỉnh công nhận làng nghề tại Quyết định số 09/2003/QĐ-CTUBBT. Làng nghề bánh tráng Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, được UBND tỉnh công nhận làng nghề tại Quyết định số 09/2003/QĐ-CTUBBT. Làng nghề gốm gọ Bình Đức, huyện Bắc Bình được UBND tỉnh công nhận làng nghề tại Quyết định số 763/2007/QĐ-UBND.

Hầu hết các làng nghề truyền thống sản xuất phân tán, quy mô nhỏ chủ yếu là quy mô hộ gia đình, công nghệ thiết bị đơn giản, hình thức mang tính tự sản xuất, tự tiêu thụ là chính, không có thương hiệu riêng, chưa được quảng bá, xúc tiến thương mại. Nguyên vật liệu phục vụ cho làng nghề ngày càng trở nên khan hiếm (đất nung, củi đốt…), đặc biệt thanh niên nông thôn không mặn mà với nghề truyền thống của cha ông, nên có nguy cơ mai một làng nghề.

Minh Vân