Kiên quyết xóa bỏ “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh quy hoạch

Xã hội - Ngày đăng : 05:33, 29/12/2022

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 3/10/2011 của Tỉnh ủy (khóa XII) về xây dựng và phát triển đô thị đến năm 2020; nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ngày càng được nâng lên. Trách nhiệm, năng lực quản lý về quy hoạch, xây dựng của các cơ quan chuyên môn có chuyển biến tích cực hơn, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn

Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp hơn mục tiêu đề ra. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dân số và kinh tế đô thị, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

xay-dung-kenh-thoat-lu-o-phan-thiet-anh-n.-lan-.jpg
Xây dựng kênh thoát lũ (ảnh: N. Lân)

Nguyên nhân do nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững trong cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ. Công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ; quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, nhiều nơi còn lỏng lẻo, tiêu cực. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý sai phạm, tiêu cực chưa kịp thời và nghiêm minh; sai phạm về quản lý đất đai trong phát triển đô thị diễn biến phức tạp.

Do đó, trong chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nêu quan điểm rõ ràng, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu quả quản lý nhà nước. Thống nhất nhận thức và hành động trong quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới, sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng “dự án treo”, cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

duong-le-duan-anh-ngoc-lan-.jpg
Đại lộ Lê Duẩn - TP. Phan Thiết (ảnh: N. Lân)

Nâng cao chất lượng đô thị hóa

Để làm được điều đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%. Tỷ lệ đất xây dựng trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9%. Toàn tỉnh sẽ có 15 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II (TP. Phan Thiết),1 đô thị loại III (thị xã La Gi), 3 đô thị loại IV (thị trấn: Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu), 10 đô thị loại V (Chợ Lầu, Lương Sơn, Phú Long Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Lạc Tánh, Đức Tài, Phú Quý). 100% các đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các khu vực nội thị của các đô thị loại III trở lên. Diện tích đất cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị, TP. Phan Thiết và thị xã La Gi đạt khoảng 7 – 10 m2/người, các đô thị còn lại đạt khoảng 5 – 7 m2/người...

image55.jpg
Một góc TP. Phan Thiết (ảnh: Đ.Hòa)

Những chỉ tiêu ấy hướng đến nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đề ra một số giải pháp như: hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị...

Tại cuộc họp tổng kết ngành xây dựng mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã phê duyệt, tăng cường công tác quản lý đất đai, phát triển nhà ở, trật tự xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời đối với các trường hợp sai phạm, nhất là việc lấn chiếm đất công, tách lô, tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật...

Minh Vân