Các xã ven biển chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủy sản
Kinh tế - Ngày đăng : 05:41, 29/12/2022
Cộng đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Từ năm 2017, được sự quan tâm của UBND tỉnh Bình Thuận cho chủ trương thực hiện Dự án mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ và được sự tài trợ các dự án vừa và nhỏ tại Việt Nam và nguồn vốn đối ứng tại địa phương thực hiện. Đây là một mô hình thiết thực, hiệu quả và có tính nhân rộng cao. Theo đó, mô hình được thực hiện trên diện tích mặt biển là 43,4 km2, thành lập được 3 Hội cộng đồng ngư dân/3 xã. Hiện nay có 288 thành viên tham gia hội cộng đồng.
Ông Nguyễn Nùng - Phó Chủ tịch Hội Cộng đồng xã Thuận Quý chia sẻ: Hàng ngày, bà con hội viên phân công tuần tra bám biển, canh giữ vùng biển. Khi phát hiện vi phạm, giã cào bay, sẽ báo đến cơ quan chức năng. Theo ông Nùng, trước kia chưa có dự án, nguồn lợi thủy hải sản tại vùng biển địa phương gần như cạn kiệt. Đến nay, nhờ sự đồng sức, đồng lòng của ngư dân, các cấp, nhà tài trợ và địa phương, dự án đồng quản lý đã phát huy, hỗ trợ cho Hội Cộng đồng tiếp tục tuyên truyền phát huy mạnh mẽ ngư dân tham gia cùng với chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế biển vùng biển bền vững.
Xây dựng mô hình sinh kế
Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, hiện nay địa phương đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông, lâm, thủy sản - công nghiệp, xây dựng- dịch vụ. Huyện có diện tích tự nhiên là 105.878 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 45.911 ha chủ yếu là tập trung sản xuất và xuất khẩu thanh long, diện tích đất lâm nghiệp 52.453 ha. Riêng lĩnh vực thủy sản, chính quyền địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên liên quan để giúp dự án trong việc quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng ngư dân thuộc 3 xã. Đó là khôi phục lại nguồn lợi sò lông tại xã Thuận Quý, các bãi rạn, bãi san hô ngầm được bảo vệ, từ đó giúp nguồn lợi thủy sản sinh sôi, phát triển, góp phần tăng thêm thu nhập cho ngư dân địa phương hành nghề khai thác biển.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Tình trạng vi phạm giã cào, khai thác thủy sản sai tuyến vẫn còn xảy ra, quỹ sinh kế hoạt động của hội còn hạn chế. Mặt khác, cơ chế giao quyền quản lý bảo vệ nguồn lợi và khai thác thủy sản chưa rõ ràng cho Hội Cộng đồng ngư dân. Do đó chưa thúc đẩy mạnh mẽ ngư dân tham gia Hội Cộng đồng trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Mới đây, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lễ khởi công công trình thả phao đánh dấu vùng biển đồng quản lý trên địa bàn huyện. Tại đây, Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) tài trợ 915 triệu đồng và nguồn vốn ngân sách huyện và các bên liên quan thực hiện đầu tư công trình thả phao đánh dấu vùng biển đồng quản lý, với số lượng 23 phao, với tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 1,3 tỷ đồng. Đây là dự án hết sức quan trọng, nhằm hạn chế tình trạng vi phạm giã cào bay, xác định ranh giới, cắm mốc vùng biển đã được giao quyền quản lý cho Hội Cộng đồng 3 xã vùng biển. Với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủy sản đúng hướng, đời sống, thu nhập của người dân 3 xã ven biển huyện Hàm Thuận Nam đang ngày càng khởi sắc.