Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:49, 29/12/2022

Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo là một trong những giải pháp trọng tâm của tỉnh trong thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chuyển đổi số trong GDNN không đơn giản chỉ là chuyển đổi từ học trực tiếp sang học trực tuyến mà đó còn là sự chuyển đổi trong nhận thức, cách làm trên phương diện công nghệ số và môi trường số, tận dụng công nghệ số để thay đổi cách dạy, cách học. Trước yêu cầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chất lượng đào tạo nghề của một số trường tiếp cận trình độ quốc gia, khu vực ASEAN; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 30% - 32%. Đến năm 2030, một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 32% - 37%...

1.jpg
Ảnh minh hoạ. N.Lân

Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Tuy nhiên giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo được quan tâm hơn cả. Bởi trong bối cảnh hiện nay, GDNN phải tận dụng tối đa sự hội nhập, kết hợp các công nghệ mới “Công nghệ kỹ thuật số” vào giảng dạy và đánh giá năng lực, thi cử để trang bị cho người học thích ứng công việc hiện nay và tương lai. Và chuyển đổi số chính là chìa khóa trong việc tạo sự đột phá trong GDNN. Chính vì vậy, tỉnh xác định sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng số bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN ở địa phương và các cơ sở GDNN.

Đi đôi với đó, phát triển, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác góp phần hình thành cơ sở dữ liệu mở quốc gia. Xây dựng các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung và hỗ trợ dạy học trực tuyến các cấp độ trong giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác, đề xuất chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động đầu tư phát triển các nền tảng số. Phát triển kho học liệu số ở tất cả các trình độ, ngành nghề đào tạo, dùng chung toàn ngành và liên kết với quốc gia, các nước trong khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho cơ sở GDNN đạt tiêu chuẩn cơ sở thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm; phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, định hướng phân tầng chất lượng và đặc thù các ngành, nghề đào tạo. Triển khai thực hiện mô hình “Nhà trường thông minh, hiện đại”, “Nhà trường xanh”. Đầu tư nâng cấp nhà xưởng, phòng học, mua sắm trang thiết bị đào tạo các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, ASEAN cho các trường cao đẳng, trường trung cấp công lập đồng bộ. Từ đó, đảm bảo đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

K.ANH