Vui xuân đón tết, đừng quên vắc xin và khẩu trang

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:17, 30/12/2022

Tuần qua, trong phiên họp lần thứ 19 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phải nhắc lại bài học xương máu từ kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5/2021. Thời điểm ấy, chúng ta tưởng rằng đã kiểm soát được dịch Covid-19, nên người dân chủ quan, lơ là phòng chống dịch, mọi người ùn ùn đổ về các lễ hội, các điểm du lịch để “xả hơi”.

Các biện pháp kiểm soát dịch của chính quyền cũng trở nên lỏng lẻo. Hậu quả sau kỳ nghỉ lễ ấy, đợt dịch thứ 4 bùng phát dữ dội ở TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, số lượng bệnh nhân tăng vọt, các bệnh viện “vỡ trận”, hàng vạn sinh mạng người Việt Nam mất đi trong những ngày đau thương ấy. Đó là những ngày tháng đau buồn không bao giờ quên và dứt khoát không được lặp lại.

tiem-tre-1.jpg
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ. Ảnh tư liệu

Người đứng đầu Chính phủ phải nhắc lại bài học đau thương ấy, để mong mọi người dân hãy cảnh giác, khi chỉ còn hơn hai chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão, với rất nhiều lễ hội, sự kiện tập trung đông người, các hoạt động đi lại, vui chơi rất nhộn nhịp, các điểm du lịch quá tải…

Trong khi ấy, sau hơn một năm Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá: Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ tiêm vắc xin cao đã góp phần ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19, đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường để phục hồi kinh tế - xã hội.

Tình hình dịch bệnh đã ổn định, nên người dân lại có tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng. Số người mắc Covid-19 thời gian qua nhiều, triệu chứng cũng “nhẹ nhàng” thôi, nên mọi người càng chủ quan. Về phía chính quyền, sự vào cuộc cũng đã giảm đáng kể, không còn quyết liệt như giai đoạn đầu dịch. Việc tiêm vắc xin hầu hết “khoán trắng” cho ngành y tế thực hiện.

Tuy nhiên, WHO khuyến cáo: Các biến thể mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, hoặc tiến hóa, có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin, cũng như né tránh miễn dịch, dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Vì vậy cần bảo đảm tất cả mọi người được tiêm chủng đầy đủ và tiêm mũi nhắc lại khi đến lịch.

Để nhân dân đón Tết Quý Mão an lành, phấn khởi, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, trong đó đặc biệt coi trọng tiêm vắc xin và nâng cao ý thức của người dân; Khuyến khích, khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang nơi đông người trong dịp tết, để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm Covid-19 và các loại dịch bệnh khác.

Ở Bình Thuận, liên tiếp 2 cái Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua, chính quyền đã cương quyết tạm dừng tổ chức các sự kiện tập trung đông người như: Lễ hội pháo hoa, đua thuyền, bóng đá bãi biển, hội thi chạy vượt đồi cát Mũi Né, giải leo núi Tà Cú, các chương trình ca múa nhạc mừng Đảng - mừng xuân cũng chỉ được phát trên sóng truyền hình… Tất nhiên, tết không pháo hoa, đua thuyền, các sự kiện, lễ hội truyền thống thì không khí sẽ trầm lắng. Nhưng đó là lựa chọn đúng, được dư luận ủng hộ, vì sức khỏe và tính mạng của người dân phải đặt lên hàng đầu.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 22/CT-TTg về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, trong đó nêu rõ: Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau tết nguyên đán, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn cho nhân dân, để nhân dân đón tết vui tươi, đầm ấm…

Để vui xuân, đón tết, hãy tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và đeo khẩu trang nơi đông người - đó là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

ĐẶNG DŨNG