Thanh Sói và sự trở lại của Ngô Thanh Vân

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:01, 03/01/2023

Cuối tuần rồi, háo hức đi xem “Thanh Sói – Cúc dại trong đêm” do Ngô Thanh Vân sản xuất và làm đạo diễn. Thanh Sói là bộ phim hành động mà Ngô Thanh Vân tuyên bố đã tập trung "tất cả sự tinh túy" với vai trò đạo diễn. Nhưng liệu rằng, có được như "Hai Phượng" trước đó?
wdy5254-16300703.jpeg

Điểm cộng là có sự tham gia diễn xuất của Đồng Ánh Quỳnh trong vai Bi, Tóc Tiên (vai Thanh) và Rima Thanh Vy (vai Hồng). Hóa thân thành những kẻ phản diện, bộ tứ giang hồ cầm đầu là Thuận Nguyễn (vai Hải) và các đàn em Song Luân (vai Long), Gi A Nguyễn (vai Sơn), Phan Thanh Hiền (vai Tèo) sẽ đối đầu kịch liệt cùng bộ ba đả nữ.

dsc02035-18473608.jpeg
Ngô Thanh Vân vai bà Lin

Nhưng xuyên suốt cả bộ phim, bản thân là khán giả không để lại ấn tượng như "Hai Phượng" trước đó. Gần như các phần cốt lõi để làm nên bộ phim hay, hấp dẫn ở chỗ cốt truyện, chạm vào cảm xúc, thông điệp và mang tính chất giải trí cho khán giả sau những giờ làm việc mệt mỏi. Về nội dung, rất bình thường chỉ là biên kịch đã mượn một chút chuyện của giang hồ có thật Hải Bánh và Năm Cam với tình tiết nhân vật giang hồ biến thái Hải cho đàn em bắn chết chị đại do Phương Thanh thủ vai. Tình tiết này gợi lại câu chuyện có thật và đã từng tốn không ít giấy mực của báo chí Việt Nam, Hải Bánh cho đàn em giết Dung Hà. Tình tiết này ghép nhân vật tên Lin (Ngô Thanh Vân thủ vai) và 3 cô gái sát thủ do bà Lin đùm bọc, huấn luyện để tiêu diệt cái ác. Cả 3 cô gái này đều từng là nạn nhân của đàn ông bị bạo hành gia đình và bạo hành tình dục. Tuy nhiên, cả mạch phim, thì thân phận của ít nhất 2 trong 3 cô gái qua ngôn ngữ điện ảnh lại mờ nhạt. Không thể hiện được bi kịch đau đớn và bị hành hạ dẫn đến thù hận đàn ông hay hận đời bất công. Tất cả chỉ dừng lại ở lời kể của nhân vật nên thiếu tính hấp dẫn. Nhân vật chính là cô gái thứ ba - Bi - là nạn nhân của bạo lực gia đình. Từ nhỏ cô gái ấy đã chứng kiến cách hành nghề kiếm sống của mẹ cô, và đến một ngày chính cô là nạn nhân của chính khách hàng mà mẹ cô qua lại. Thù hận, tức tối khi nhìn thấy người đàn ông đó giết chết mẹ mình. Cô đã giết chết người đàn ông đó và đốt luôn chiếc ghe nơi trú ngụ và rời đi chấp nhận lối sống đầu đường xó chợ đến khi gặp bà Lin. Nội dung phim xoay quanh lời kể chuyện với hành trình 5 năm, để huấn luyện các cô gái chân yếu tay mềm thành sát thủ và cao thủ võ thuật. Riêng Thanh Sói chỉ là sát thủ trong vài tháng là tình tiết khập khiễng và không thực tế.

dsc08266-18460463.jpeg
Đồng Ánh Quỳnh vai Bi
song-luan-09342206.jpeg
Song Luân vai Long

Nếu ở bộ phim “Hai Phượng” có thông điệp rõ tình mẫu tử thiêng liêng qua hành trình người mẹ tìm mọi cách cứu con khỏi đám buôn người, thì “Thanh Sói” lờ mờ. Những “đứa con” bà Lin huấn luyện để hành hiệp thực ra chỉ phục vụ cho bà Lin trả thù riêng. Sự hụt hẫng bắt đầu khi những đứa con gái sát thủ của bà Lin nhận ra thực tế họ chỉ bị lợi dụng. Hụt hẫng, rồi chết một cách vô lý khi xông vào sào huyệt của xã hội đen để giết người. Rồi một nhân vật Long, làm tay trong cho bà Lin bất lực không giết nổi tên trùm khi ngày đêm kề cận, hay nhìn người yêu bị đám đệ tử giết trước mặt mình. Bộ phim khá nhiều điều vô lý.

dsc06194-18460547.jpeg

Song ít ra bộ phim cũng có được những pha hành động mãn nhãn, dù cũng khá vô lý. Bối cảnh phim là những không gian chật hẹp, chung cư, hẻm hóc mà giang hồ quy tụ đông đen, dao kiếm dài cả thước rồi dồn cục, mất hay. Thành công nhất của phim chính là dàn diễn xuất khá ra vai. Nghệ sĩ Hồng Vân khỏi phải bàn tới về trình diễn xuất, nhưng Thuận Nguyễn, Song Luân, Đồng Ánh Quỳnh, Tóc Tiên diễn xuất tròn trịa ở nhân vật của mình. Tiếc cho “Thanh Sói” khi bao lâu nay được chờ đợi nhưng lại không thật sự hấp dẫn và đột phá như giai đoạn mà “Hai Phượng” xuất hiện trên màn ảnh Việt.

Quang Nhân