Phương án nào cho vùng đất lúa?

Kinh tế - Ngày đăng : 08:34, 18/09/2018

BT- Trên thực tế, kỹ thuật trồng giống lúa Ma Lâm 48 đã trở thành tập quán sản xuất, ăn sâu vào tiềm thức người dân huyện Bắc Bình. Vấn đề thay đổi tập quán sản xuất hay tìm giống lúa mới đều cần một kế hoạch dài hơi… 

Thay đổi tập quán sản xuất

Dù là đơn vị sản xuất giống hay người nông dân ở huyện Bắc Bình thì đều công nhận: Lúamalâm 48 đang có thị trường tiêu thụ rất lớn. Không chỉ ở Bình Thuận mà ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên đều sử dụng gạo malâm 48. Ra đến các tỉnh miền Bắc, gạo Ma Lâm 48 được gọi dưới cái tên dân gian gạo dẻo Phan Thiết. Một giống lúa có thị trường tiêu thụ rộng lớn, gắn bó hàng chục năm nay nhưng người dân vẫn đề nghị thay thế. Phải chăng giống lúa malâm 48 đã thoái hóa như người dân phản ánh hay còn nguyên nhân nào khác? Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận để tìm hiểu…

                
   Sản xuất lúa ở Bắc Bình cần một kế hoạch    dài hơi.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, việc người dân nói giống lúa malâm 48 bị thoái hóa là chưa có cơ sở. Bởi không chỉ huyện Bắc Bình mà ở nhiều địa phương như: huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam cũng trồng giống lúa malâm 48. Ở các địa phương này giống lúa này vẫn cho năng suất cao, không có biểu hiện thoái hóa. Một vài năm trở lại đây giống lúa malâm 48 còn được các tỉnh như: Khánh Hòa, Bình Định, Gia Lai đưa vào sản xuất thí điểm và đại trà. Việc giống lúa malâm 48 ở huyện Bắc Bình khi đưa vào sản xuất xuất hiện lúa 2 tầng và lúa tạp có thể do quy trình sản xuất chưa đúng…

Theo tập quán sản xuất, người dân thường chọn những hạt lúa thương phẩm to đều hạt ở vụ trước sử dụng làm lúa giống cho vụ sau. “Việc sử dụng lúa thương phẩm để làm lúa giống thì ở vụ đầu tiên biểu hiện lúa tạp còn chưa rõ. Nhưng ở lần thứ 2, 3, 4 thì giống đó không còn thuần nữa và việc xuất hiện lúa tạp, giảm khả năng chống chịu sâu bệnh là điều khó tránh khỏi. Nếu có tiết kiệm chi phí sản xuất thì ít nhất trong 1 năm người dân phải mua một lần lúa giống xác nhận hoặc lúa giống nguyên chủng về sạ”, ông Bình cho biết. Một nguyên nhân nữa dẫn tới trên các thửa ruộng xuống giống lúa malâm 48 xuất hiện lúa tạp đã được các ngành nông nghiệp huyện Bắc Bình đã tìm ra là ở khâu xử lý đất. Trước khi sản xuất vụ mới nhiều hộ dân không thực hiện việc ngâm nước để làm thối những hạt lúa còn sót lại của vụ trước mà thực hiện làm đất, xuống giống ngay. Điều này dẫn tới việc các hạt lúa này nảy mầm phát triển cùng với trà lúa mới.

“Một nguyên nhân nữa dẫn tới việc xuất hiện hạt lép, giảm khả năng chống chịu sâu bệnh của giốnglúamalâm 48 chính là việc người dân sạ quá dày. Việc này làm giảm khả năng quang hợp, tạo bóng râm để sâu bệnh phát triển. Muốn lúa malâm 48 phát triển tốt thì người dân cần phải thay đổi tập quán canh tác, còn việc tìm giống mới thì phải cần thời gian”, ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm. 

Cần lộ trình dài hơi

Trở lại với việc tìm giống lúa mới thay thế giống lúa malâm 48, huyện Bắc Bình đã mời nhiều công ty về huyện thực hiện mô hình trình diễn giống. Trong đó, giống lúa An Sinh 1399 được đánh giá cao về khả năng thay thế giống lúa Ma Lâm 48 với thời gian sinh trưởng tương tự, kháng bệnh tốt, hạt lúa tương tự và năng suất cao hơn. Nhưng giống lúa An Sinh 1399 chỉ sản xuất được đúng 1 vụ rồi không ai trồng nữa. Lý do của việc này là vỏ trấu của giống lúa An Sinh 1399 dày nên khi đưa vào xay tỷ lệ hạt gãy cao nên thương lái chê không mua. Ngoài giống An Sinh 1399 thì Công ty Lộc Trời cũng thực hiện trình diễn một số dòng của giống lúa OM. Tuy nhiên, giống lúa OM cũng không được người dân sử dụng rộng rãi. Tình trạng này không chỉ ở huyện Bắc Bình mà một số huyện khác trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra. Giống mới, năng suất cao, kháng bệnh tốt nhưng thị trường không chấp nhận dẫn tới không thể áp dụng đại trà. Tuy nhiên vẫn có những địa phương làm tốt việc này.

Năm 2015, Đảng bộ huyện Tánh Linh đề ra mục tiêu phát triển vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha theo chiều sâu để nâng cao cuộc sống người dân. Ngay trong vụ mùa 2015, UBND huyện Tánh Linh chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai thực hiện chương trình cánh đồng mẫu lớn tại cánh đồng xã Bắc Ruộng có 19 hộ tham gia trồng giống lúa OM 7347. Các hộ tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 100% giống và 50% vật tư nông nghiệp, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây lúa. Trong quá trình thực hiện nông dân phải có sổ ghi chép đầy đủ trong quá trình canh tác, đầu tư. Tuy nhiên, giai đoạn lúa từ 20 ngày tuổi đến 50 ngày tuổi có phát sinh một số sâu bệnh hại, nhưng nhờ theo dõi sát của cán bộ kỹ thuật và sự trợ giúp tích cực của các nhà khoa học đến từ Viện lúađồng bằngsông Cửu Long, các thửa ruộng tham gia trồng thử nghiệm giống lúa mới đều có năng suất cao đạt  7,6 tấn khô/1 ha. Lúa được doanh nghiệp thu mua toàn bộ, giá cao hơn lúa hạt tròn từ 150 đến 200 đồng/kg. Lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha. Ngoài lợi nhuận về mặt kinh tế, mô hình đã nhận được sự đồng thuận cao của bà con nông dân; thuận lợi trong việc làm đất, gieo sạ và chăm sóc tạo điều kiện cho ruộng lúa đạt năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Theo ông Võ Văn Ty, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tánh Linh thì thành công của huyện Tánh Linh trong việc triển khai cánh đồng mẫu lớn chính là việc triển khai một kế hoạch cụ thể, dài hơi. Ở đó, chính quyền phải là cầu nối giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông.

    
      Thay đổi tập quán sản xuất của người dân không phải là dễ. Muốn làm được   điều này thì phải cho người dân thấy được cái lợi khi họ tham gia sản   xuất giống mới…

 NguyỄn Luân