Bảo tồn, phát huy di tích văn hóa gắn với phát triển du lịch
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:43, 04/01/2023
Trùng tu, bảo vệ di tích
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 72 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 28 di tích, danh thắng quốc gia và 44 di tích, danh thắng cấp tỉnh. Từ tiềm năng này, hàng năm Bình Thuận đón hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái, đóng góp không nhỏ vào tổng thu của ngành du lịch.
Để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan của du khách, giai đoạn 2016 – 2020, 11 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia đã được UBND tỉnh và Trung ương hỗ trợ trùng tu, sửa chữa. Bao gồm 4 di tích cấp tỉnh là Đình làng Long Hương, Đình làng Hòa Thuận, Đình làng Lạc Tánh, Vạn Tả Tân và 7 di tích cấp quốc gia là Đình làng Xuân Hội, Đình làng Xuân An, Đình làng Đông An (Bắc Bình), Đình làng Phú Hội (Hàm Thuận Bắc), Đình làng Tú Luông, Trường Dục Thanh, Tháp Pô Sah Inư (Phan Thiết).
Hầu hết các công trình đã triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng đúng tiến độ. Riêng đối với công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Pô Sah Inư hiện nay chưa hoàn thành. Cụ thể công trình này gồm 2 gói thầu (gói thầu tu bổ các tháp và gói thầu các công trình phụ trợ và hạ tầng). Đối với gói thầu tu bổ, tôn tạo các tháp A, B, C thuộc khu vực của di tích gốc đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng. Gói thầu các công trình phụ trợ và hạ tầng, hiện nay đã thi công hoàn thành phần hạ tầng và các ki ốt nhà bảo vệ, đang thi công dở dang hạng mục nhà trưng bày và nhà quản lý. Nguyên nhân chậm trễ 2 hạng mục nói trên là do trong quá trình thi công có phát sinh phần đục đá tạo mặt bằng và làm móng công trình (mặt bằng thi công là khu vực sườn đồi, núi đá phức tạp). Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị liên quan là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, đơn vị thi công, đơn vị giám sát và tư vấn thiết kế rà soát hoàn chỉnh dự toán phát sinh tăng, giảm để có cơ sở trình UBND tỉnh điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng sớm triển khai hoàn thành công trình đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.
Riêng giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh và Trung ương hỗ trợ đầu tư trùng tu, sửa chữa 6 di tích cấp tỉnh gồm Đền thờ Thầy Sài Nại (Phú Quý), Dinh Ông Cô, Vạn Thạch Long (Phan Thiết), Lăng Ông Nam Hải (Tuy Phong), Nghĩa Trủng Từ (Bắc Bình), Đền thờ Pô Tằm (Hàm Thuận Bắc). Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế và trình phê duyệt, dự kiến thi công hoàn thành hết trong giai đoạn 2021 - 2025.
Quảng bá, xây dựng hình ảnh điểm đến
Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Thực tế, du lịch văn hóa phát triển thì các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp khai thác, đầu tư. Cũng như tuyên truyền thay đổi nhận thức của cộng đồng dân cư và du khách để chung tay bảo tồn và phát huy, gìn giữ môi trường không gian di tích, không gian du lịch theo hướng bảo vệ, phát triển một cách bền vững.
Trong đó, tập trung và kêu gọi xã hội hóa tham gia trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Hướng dẫn Ban quản lý một số di tích cấp quốc gia tiến hành vận động kinh phí và lập dự án trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục bằng chính nguồn vốn tự có của các di tích. Cụ thể tại di tích đền thờ Pô Nít ở xã Phan Hiệp (Bắc Bình) tu sửa vòng thành, sơn phết toàn bộ các hạng mục kiến trúc di tích, di tích Dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi) tu sửa vòng thành, mặt bằng mộ Thầy Thím, di tích Vạn Thủy Tú (phường Đức Thắng, TP.Phan Thiết) tu sửa cột cờ, sơn phết phần nội thất và các hiện vật khám thờ, hương án bên trong di tích...
Năm 2023, Bình Thuận đăng cai Năm Du lịch quốc gia. Đây là cơ hội quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, thiên nhiên đặc sắc đến với du khách trong và ngoài nước, tạo cú hích để ngành du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Nên sở và các đơn vị liên quan đang chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ du khách, đào tạo đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên đảm bảo tinh thần phục vụ, kỹ năng giới thiệu thông tin đến du khách. Tổ chức thêm các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trình diễn nghề truyền thống, trò chơi dân gian, bố trí địa điểm bán hàng lưu niệm.
Đồng thời huy động sự tham gia, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, hội, đoàn thể đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá đưa hình ảnh, nội dung tư liệu các di tích phát sóng trên kênh truyền thông, truyền hình, mạng xã hội... để du khách trong và ngoài nước biết đến giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh, từ đó thu hút du khách ngày càng nhiều hơn.