Linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ
Kinh tế - Ngày đăng : 04:49, 05/01/2023
Kìm giữ đà tăng lãi suất
Năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế, ngân hàng cho rằng ưu tiên của chính sách tiền tệ sẽ dịch chuyển theo hướng kìm giữ đà tăng lãi suất trong nền kinh tế để hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống các ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể phải đánh đổi một số mục tiêu ổn định và an toàn dài hạn để giải quyết vấn đề ngắn hạn. Mục tiêu lạm phát năm 2023 được nới lỏng lên 4,5%, trong khi điều hành tỷ giá kỳ vọng sẽ bớt áp lực hơn.
Trên cơ sở định hướng kìm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023. Áp lực tỷ giá hạ nhiệt cũng là cơ sở để NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành.
Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT tỉnh.
Đến đầu tháng 12/2022, lãi suất huy động bình quân đã tăng 2-2,5% so cuối năm 2021 và cao hơn 0,6-1,2% so thời điểm trước Covid-19. Theo thống kê sơ bộ của NHNN, cuối năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt 13%, huy động vốn 6% so cuối năm 2021. Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng chưa chạm tới hạn mức (room) tín dụng cũ (14%) và còn cách xa room tín dụng mới (15,5-16%) sau khi NHNN nới thêm 1,5 - 2%.
Tại Bình Thuận, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 78.498,2 tỷ đồng, tăng 5,8% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 5,14%). Trong đó dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam đạt 77.157,5 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 47.293,3 tỷ đồng, chiếm 60,25% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 2,1% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm khoảng 2,8% tổng dư nợ, lãi suất 7-9%/năm chiếm 26% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm 53,7% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 15,4% tổng dư nợ. Ước đến 31/12/2022, tổng dư nợ đạt là 79.388 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương. Trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 43.014 tỷ đồng, chiếm 54,8% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 292 tỷ đồng, chiếm 0,37% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 538 tỷ đồng, chiếm 0,68% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 17.140 tỷ đồng, chiếm 21,83% tổng dư nợ.
Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ được cân nhắc kỹ.
Cân nhắc chỉ tiêu tín dụng
Trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 của NHNN là không thể chủ quan với lạm phát. Mặc dù trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng gấp đôi huy động vốn năm 2022, nhưng NHNN sẽ có định hướng ra sao cho tăng trưởng tín dụng năm 2023? Về vấn đề này, Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, mặc dù lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2022 khả năng dưới 4% nhưng lạm phát cơ bản tăng nhanh và có dấu hiệu đáng quan ngại. Cụ thể, lạm phát lõi tháng 1/2022 chỉ tăng 0,66% nhưng tháng 12 vừa rồi có thể tăng hơn 5% - mức tăng cao nhất 10 năm qua, gây sức ép lớn tới lạm phát năm 2023. Thêm vào đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 chiếm gần 190% GDP), tác động của kinh tế thế giới với Việt Nam rất mạnh trong khi FED dự kiến vẫn tăng lãi suất trong năm 2023 và duy trì mặt bằng lãi suất cao cho đến năm 2024.
Theo NHNN, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ đòn bẩy tín dụng cao nhất thế giới (tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP lên tới 124%). Với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm kéo dài trong thời gian tới thì tín dụng luôn tăng trưởng gấp đôi GDP, khiến tỷ lệ đòn bẩy tín dụng càng tăng cao, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng. Đồng thời, Luật NHNN quy định rất rõ, là phải kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định của đồng tiền. Đây là mục tiêu xuyên suốt quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Do đó, tất cả các định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 cũng phải theo mục tiêu xuyên suốt đó là kiểm soát lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường, đặc biệt là sự bền vững, an toàn của các tổ chức tín dụng.