Phục hồi rừng nghèo bằng cây bản địa

Kinh tế - Ngày đăng : 05:30, 05/01/2023

Rừng thứ sinh nghèo ở Bình Thuận là kết quả của quá trình khai thác cạn kiệt sau một thời gian dài nhưng chưa có các biện pháp tích cực đẩy nhanh tốc độ phục hồi rừng. Do đó, việc thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình phục hồi rừng nghèo bằng cây bản địa có giá trị tại huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Nam” đã góp phần trong tiến trình phục hồi và phát triển rừng của tỉnh.

Gieo ươm trồng 4 ha rừng theo mô hình

Đề tài này đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Quyết định số 2566/2017/QĐ-UBND, được thực hiện trong 5 năm (từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2022). Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã ký hợp đồng thực hiện đề tài khoa học và công nghệ với đơn vị chủ trì thực hiện là Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận. Đề tài lựa chọn 4 - 6 loài cây bản địa có quan hệ với nhau để trồng mô hình hỗn giao phục hồi rừng nghèo tại 2 huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Nam. Cây bản địa được chọn là những loài cây mọc tự nhiên, vốn được sinh ra và lớn lên ở 1 vùng sinh thái hay còn gọi cây có nguồn gốc địa phương.

z4011781331044_94f7080d5bbd8bf80f915167e25aab20.jpg
Cây lim xanh trồng xen tại rừng Hàm Thuận Nam

Để thực hiện mô hình, Chi cục Kiểm lâm hợp đồng với Cơ sở cây giống lâm nghiệp Lương Hòa để thu hái mỗi loài khoảng 3 - 5 kg hạt. Gieo ươm số lượng dự kiến 3.250 cây theo thiết kế trồng rừng mô hình. Số lượng cây giống gieo ươm từ cây trội trên địa bàn Hàm Thuận Nam và huyện Bắc Bình đã được Sở Nông nghiệp và PTNT công nhận để phục vụ gieo ươm trồng rừng mô hình là 3.250 cây. Trong đó, số cây thực trồng là 2.500 cây, trồng giặm (30%) là 750 cây. Loài cây gieo ươm gồm giáng hương, bằng lăng, lim xẹt, lim xanh, trám trắng. Diện tích thiết kế trồng 4 ha, trong đó huyện Hàm Thuận Nam 2 ha và Bắc Bình 2 ha.

Đơn vị đã thiết kế trồng rừng theo lô, phân chia ranh lô, khoảnh và đóng mốc (bằng trụ gỗ) rõ ràng tại hiện trường. Riêng mốc khoảnh sau khi trồng sẽ cắm bằng trụ xi măng. Trong quá trình xử lý thực bì chừa lại toàn bộ cây gỗ và cây tái sinh.

Cây lim xanh thích nghi tốt

Theo ông Hồ Thiện Đang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chủ nhiệm đề tài: Các loài trong công thức hỗn giao 2 loài có tỷ lệ sống sau trồng trên 90% so với thiết kế ban đầu. Tuy nhiên sau năm thứ 2 giảm dần, đến năm thứ 5 (2022), chỉ có loài lim xanh còn đạt tỷ lệ sống 85%. Mật độ cây sống hiện còn là 265/313 cây/ha ban đầu. Riêng loài bằng lăng có tỷ lệ sống chỉ 25%, với mật độ cây sống hiện còn là 78/313 cây/ha ban đầu. Tỷ lệ sống đến năm thứ 5 của cây lim xanh tốt hơn rõ rệt so với bằng lăng. Nguyên nhân là do ở giai đoạn cây con, lim xanh chịu bóng và thích nghi tốt hơn dưới tán rừng có trạng thái hỗn giao gỗ, tre le tại khu vực trồng. Tỷ lệ cây sống trong mô hình là 93% (289 cây/ha) cho năm đầu sau trồng và 55% (172 cây/ha) cho đến năm thứ 5. Theo đánh giá, hiện tại, các loài trong mô hình thí nghiệm có tỷ lệ sống không đồng đều, chỉ có loài lim xanh đạt tỷ lệ sống có thể đảm bảo mật độ cây đạt tiêu chí thành rừng.

Sau 5 năm, các loài đều có tăng trưởng về đường kính gốc và chiều cao. Tuy nhiên, các chỉ tiêu sinh trưởng loài lim xanh đạt kết quả vượt trội so với bằng lăng. Đường kính gốc lim xanh tăng gấp 8 lần so với khi trồng, đạt 8 cm, trong khi bằng lăng chỉ tăng 2,5 lần, chỉ đạt 2 cm. Chiều cao lim xanh tương tự cũng phát triển tốt hơn, đạt 2,5 m so với 0,6 m của bằng lăng sau 5 năm. Điều này chứng minh loài lim xanh sinh trưởng, phát triển tốt hơn bằng lăng trong mô hình hỗn giao 2 loài.

Hiện tại, các loài trong mô hình thí nghiệm sinh trưởng không đồng đều, chỉ có cây lim xanh sinh trưởng tốt, cây khỏe mạnh, phát triển bình thường. Tốc độ tăng trưởng tăng dần và tương đối nhanh sau mỗi năm. Điều này cho thấy loài lim xanh là cây trội có giá trị cao và rất có triển vọng cho phục hồi rừng nghèo.

Từ kết quả trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị, có thể sử dụng kết quả nghiên cứu này để xây dựng chiến lược quản lý rừng và kỹ thuật lâm sinh. Đồng thời, thí nghiệm thêm về trồng 5 loài cây trội và có giá trị được công nhận để phục hồi rừng bằng biện pháp trồng hỗn giao theo đám hoặc thuần loài trên các lập địa, kiểu rừng phù hợp. Qua đó, tạo triển vọng để xây dựng quy trình kỹ thuật lâm sinh phục vụ trồng phục hồi rừng nghèo trên địa bàn tỉnh.

Kiều Hằng