Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội
Kinh tế - Ngày đăng : 16:11, 05/01/2023
Đây là một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Tỷ trọng vốn đầu tư phát triển tăng
Trong những năm qua, công tác thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển của tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Theo đó, để thu hút mạnh tất cả các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển của tỉnh, tỉnh đã tập trung thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, từng bước tháo gỡ chồng lấn trong quy hoạch, gắn kết giữa quy hoạch vùng với quy hoạch ngành, tạo sự phù hợp, tầm nhìn xa, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý, thu hút đầu tư, khai thác, phát huy tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được thường xuyên quan tâm, chính vì thế chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng được cải thiện. Hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được tập trung chỉ đạo thực hiện, kết quả thu hút đầu tư đạt khá. Trong đó, thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện bộ mặt đô thị, nông thôn trong tỉnh... Chỉ tính trong giai đoạn 2016 – 2022, tổng vốn đầu tư xã hội được huy động khoảng 216.000 tỷ đồng, tăng bình quân 22.75%/năm. Với mức tăng bình quân này đã góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển của ngành, lĩnh vực trọng tâm, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Đạt được kết quả đó là tỉnh đã tập trung thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, từng bước tháo gỡ chồng lấn quy hoạch, gắn kết giữa quy hoạch vùng với quy hoạch ngành, tạo sự phù hợp, tầm nhìn xa, công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý, thu hút đầu tư, khai thác, phát huy tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chủ trương tái đầu tư công được thực hiện tốt, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu tiếp tục đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, nhất là giao thông vận tải, sản xuất và truyền tải điện. Nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả giữa kết nối tỉnh Bình Thuận với khu vực Đông Nam bộ và các địa phương khác, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống nhân dân.
Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển
Trên cơ sở đánh giá thực trạng về tình hình thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định là một trong ba khâu đột phá để phát triển trong thời gian tới. Theo đó, đa dạng hóa cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Bố trí vốn đầu tư công tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, kéo dài, bảo đảm hiệu quả cao. Thực hiện tốt phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư”. Tiếp tục phát huy nguồn lực huy động sức dân theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu của tỉnh là sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tương đối đồng bộ, bảo đảm kết nối cùng các vùng trong cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng… Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải thực hiện tốt công tác xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch. Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của tỉnh. Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn khu vực kinh tế tư nhân và nguồn vốn khác…