Nước mắm hiệu con cá có từ năm nào?
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:18, 06/01/2023
Theo số liệu thống kê, những thập niên đầu thế kỷ XX, trung bình mỗi năm hàm hộ Bình Thuận cung cấp cho thị trường khoảng trên 40 triệu lít nước mắm. Số nước mắm này được đựng trong 13 triệu tĩn (Guillerm J., 1931).
Trước sự phát triển sôi động trên, bên cạnh không ngừng nâng cao chất lượng nước mắm bằng những bí quyết nghề nghiệp, hàm hộ Bình Thuận còn sáng tạo ra các nhãn hiệu riêng cho doanh nghiệp của mình, mà phổ biến nhất là nhãn hiệu hình con cá.
Theo các nhà hàm hộ, nước mắm được sản xuất từ cá và muối nên phần đông các nhà làm nước mắm ở Phan Thiết sử dụng để nhận diện cùng với tên thương hiệu. Trong đó hàm hộ Trương Lễ Nghi được biết đến là người sử dụng sớm nhất, dưới tên Huỳnh Hương là hình ảnh con cá nục màu đỏ đi kèm. Và ông Nghi cũng là người đầu tiên đi đăng ký bảo hộ thương hiệu con cá nục (gọi là cầu chứng) tại tòa Phan Thiết vào ngày 13/9/1930 và tại tòa Sài Gòn ngày 14/8/1936 (Công luận báo, số 8030, ngày 23/6/1939).
Từ năm 1938, trên thị trường xuất hiện nhãn hiệu nước mắm hình con cá rất nhiều dẫn đến sự xung đột về quyền lợi và đã xảy ra những vụ kiện cáo lúc bấy giờ. Tuy các vụ kiện không đạt kết quả, quyền lợi của người đăng ký bảo hộ thương hiệu chưa được pháp luật bảo vệ. Nhưng bước đầu tạo ra được sự chú ý trong dư luận, và việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nước mắm từ đó được phổ biến hơn.
Hiện nay, người Phan Thiết đang ra sức xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là một bài học kinh nghiệm từ lịch sử vậy!
Một mẫu quảng cáo nước mắm hiệu con cá nục có dấu vuông Marque Depose (nhãn hiệu đã đăng ký, tiếng Pháp) đăng trên Báo Trung Lập, số 6292 ra ngày 7/11/1930.