Nghe và thấy: Đột phá để phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 08:58, 06/01/2023

1. Một mùa xuân nữa lại về, xuân Quý Mão 2023. Năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nhanh kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Chúng ta biết rằng, đầu tư là bỏ vốn để tạo ra một tài sản đem lại lợi nhuận, là bỏ vốn vào giá trị động sản. Cơ cấu và hiệu quả đầu tư quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý. Tăng vốn đầu tư từ mọi nguồn đi đôi với đổi mới việc sử dụng vốn nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao, tạo ra nhịp độ phát triển nhanh, mạnh, vững chắc là những vấn đề có ý nghĩa chiến lược.

cao-toc-2-.jpg

30 năm qua, từ 1992 đến 2022, nhìn lại, Bình Thuận đã huy động được vốn đầu tư xã hội là 367.096 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngoài nhà nước là 307.860 tỷ đồng, chiếm 83,86% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng vốn đầu tư phát triển so với GRDP từ 2,43% (năm 1992) đã tăng lên 46,86% (năm 2022), góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực trọng tâm, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

2. “Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025”. Đây là một trong những Nghị quyết tập trung thực hiện 1 trong 3 khâu đột phá để Bình Thuận phát triển trong thời gian đến. Quan điểm của Bình Thuận trong việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển là đa dạng hóa cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; bố trí vốn đầu tư công tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục phát huy nguồn lực huy động sức dân; kết hợp chặt chẽ bảo đảm quốc phòng- an ninh...

Bình Thuận phấn đấu trong giai đoạn 2022 – 2025, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên 250.000 tỷ đồng.  

Thu hút đầu tư các dự án sản xuất điện, đưa công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế chủ lực, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, ưu tiên điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, điện mặt trời trên hồ chứa nước… là định hướng đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh.

cao-toc-1-.jpg
Đang thi công dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Đình Hòa

Nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp là lựa chọn của Bình Thuận. Bên cạnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, sớm xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp: Tân Đức, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2… Ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông kết nối Bình Thuận với khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Trọng tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 55, quốc lộ 28. Hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, quốc lộ 28B, sân bay Phan Thiết; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng chuỗi đô thị du lịch ven biển…

Riêng với hạ tầng nông nghiệp thì đầu tư hồ chứa nước La Ngà 3, hồ thủy lợi Ka Pét, phát triển kết cấu hạ tầng cảng cá, kè biển, khu neo đậu tàu thuyền; xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra còn thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Cùng với việc huy động các nguồn lực đầu tư trên lĩnh vực y tế, giáo dục thì hạ tầng thông tin, chuyển đổi số và khoa học – công nghệ, tỉnh cũng đã có kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng số, phục vụ yêu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

3. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 của Bình Thuận là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Để thực hiện việc đầu tư ấy hiệu quả, Bình Thuận đang huy động nhiều nguồn lực đầu tư. Xác định những lĩnh vực chủ yếu để đầu tư trong những năm trước mắt và lâu dài, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư tư nhân lớn vào các dự án trọng điểm, với tốc độ nhanh hơn và hiệu quả hơn nữa.

Để tạo đột phá, phát triển nhanh, bền vững, Bình Thuận cần sự chung tay của nhiều thành phần đầu tư, cả trong và ngoài nước.

Thanh Bình