Cùng lo cho công nghiệp vùng khát
Kinh tế - Ngày đăng : 10:40, 06/01/2023
Đã vào lúc đếm ngược thời gian
Khi những ngày cuối cùng đang khép lại 1 năm không ít cũng không nhiều mưa, hồ Sông Dinh 3 có hơn 26 triệu m3 nước như 1 bầu ngọc bích giữa vùng hiếm nước Hàm Tân. Bên kia hồ về phía Tây Bắc là tiếp nối Suối Giêng, nơi con sông sẽ nhận nước từ kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân vốn đang trong những ngày thi công hoàn tất để thông nước. Còn tại phía Tây Nam hồ, là kênh tiếp nước Cô Kiều về đập Cô Kiều (Tân Thắng), cung cấp nước cho Cụm cấp nước Thắng Mỹ phục vụ nước sinh hoạt cho 3 xã ven biển của Hàm Tân là Sơn Mỹ, Tân Thắng và Thắng Hải. Ở vùng ven biển này, vào tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã về dự lễ khởi công Khu công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ 1. Điểm đặc biệt của KCN này là sát biển, nên ai quan tâm có thể hình dung về tổ hợp chuỗi dự án Nhiệt điện khí Sơn Mỹ (Sơn Mỹ 1, 2, 3), về Cảng Sơn Mỹ, về nhu cầu nhập khẩu khí hóa lỏng LNG từ Mỹ lên gần 2 tỷ USD/năm… đều liên quan đến biển. Sang cuối tháng 9/2022, Bộ Công Thương cũng đã có Quyết định 1919/QĐ-BCT đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II theo phương thức đối tác công tư. Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện tuabin khí hỗn hợp sử dụng LNG, có quy mô công suất khoảng 2.250MW, với 3 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 750MW. Bên cạnh nhu cầu sử dụng nước biển để làm mát với 54 m3/s thì không phải lo, vì biển ở kề bên, điều đáng quan tâm là nhu cầu nước dịch vụ lên 2.105 m3/ngày; nhu cầu nước ngọt cho thi công: 1.100 m3/ngày, cao điểm khoảng 1.650 m3/ngày. Thêm nữa, từ năm 2023, sẽ triển khai thực hiện dự án.
Đó là lý do nhiều tháng trước, chủ đầu tư KCN Sơn Mỹ 1 là Công ty IPICO đã đề xuất phương án chuyển nước để phục vụ cho xây dựng lẫn đi vào hoạt động của các nhà máy sắp hình thành tại khu công nghiệp. Sau khi phân tích các phương án liên quan đến thời gian, quy hoạch… cuối cùng các ngành chức năng ở tỉnh thấy phương án nhà đầu tư KCN Sơn Mỹ 1 đề xuất là phù hợp hơn cả. Theo đó, Công ty IPICO chi kinh phí xây dựng tuyến ống cấp nước thô về đến hàng rào KCN Sơn Mỹ 1, để đảm bảo đồng bộ với Nhà máy cấp nước sạch trong Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Sau khi đầu tư xây dựng, công ty sẽ bàn giao đường ống cấp nước thô này cho Nhà nước quản lý, vận hành. Trước đó, nhà đầu tư KCN Tân Đức cũng đã đề xuất tỉnh là tự chi kinh phí xây dựng tuyến ống từ các nhà máy nước của huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để cấp nước cho KCN Tân Đức trong giai đoạn đầu. Ai cũng hiểu những động thái trên xuất phát từ cơ chế đầu tư theo quy trình từ ngân sách nhà nước thường không thể nhanh hơn tư nhân. Và tình hình thúc bách là việc đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp này đã ở thế đếm ngược thời gian đến giờ G.
Sự phối hợp tính trước
Theo 2 nhà đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp ở Hàm Tân này, ngoài lý do ai cũng hiểu về cơ chế đầu tư nhanh, chậm trên, còn vì lý do khác cấp thiết hơn, đó là các nhà đầu tư thứ cấp đã hối phải nhanh, dù giữa 2 bên chưa ký hợp đồng. Hay nói chính xác hơn là phía nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chưa dám ký, do đang còn lo nhiều vấn đề khác như giá đất đền bù, giá đất mà Nhà nước cho thuê chưa xong. Các ngành chức năng của tỉnh đang thận trọng trong tính toán lại các loại giá đất trên sao cho hợp lý, nhất là thị trường đất đai thời gian qua của Hàm Tân tăng cao so với giá trị thực tế khi đặt trong mối tương quan so sánh cũng như thu nhập từ thửa đất. Một khi giải quyết xong khâu thủ tục thuê đất, các nhà đầu tư mới khởi động xây dựng hạ tầng, lúc đó nước đóng vai trò quyết định. Như KCN Tân Đức, khi đi vào xây dựng và hoạt động, cần lượng nước sử dụng tăng dần từ 100 m3/ ngày đêm lên khoảng 10.336 m3/ngày đêm và thêm lượng nước cho chữa cháy là 2.160 m3. Còn KCN Sơn Mỹ 1 cũng cần lượng nước tăng dần qua 3 giai đoạn. Nếu giai đoạn 1, phục vụ cho xây dựng và một số nhà đầu tư thứ cấp hoạt động với nhu cầu sử dụng 17.250 m3/ngày, đêm thì giai đoạn 2 phải phục vụ cho toàn bộ KCN Sơn Mỹ 1 nên nhu cầu sử dụng lên 36.000 m3/ngày, đêm. Còn giai đoạn 3, sẽ phục vụ cho KCN Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 và cả khu vực xung quanh, đã đẩy nhu cầu sử dụng lên 48.000 - 50.000 m3/ngày, đêm.
Vì vậy, theo chủ đầu tư KCN Sơn Mỹ 1, đối với tuyến ống cấp nước thô cho Nhà máy cấp nước KCN Sơn Mỹ 1 sẽ thực hiện như một dự án độc lập được thiết kế với công suất Q=49.500 m3/ngày, đêm và được chia làm 3 giai đoạn đầu tư với việc lắp đặt các thiết bị và công nghệ bảo đảm cho công suất nước tương ứng. Điều đáng quan tâm, Hàm Tân vốn là vùng ít nước nên chuyện lo nước ổn định cho khu công nghiệp là nỗi lo có lộ trình mà tỉnh đã tính toán từ nhiều năm trước bằng cách sắp xếp xây dựng những công trình chuyển nước. Vì lượng nước tại chỗ mà cụ thể là hồ Sông Dinh 3 với dung tích nước không thể đảm đương nên mới xuất hiện kênh chuyển nước liên huyện phía Nam, kênh chuyển nước Biển Lạc – Hàm Tân, tức lấy nước từ hồ Biển Lạc (Tánh Linh) được tích từ nguồn nước sông La Ngà. Nhưng nước sông này nhiều hay ít là tùy thuộc vào lượng nước xả của thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi. Để không lãng phí nguồn nước dồi dào này vào mùa mưa, Bình Thuận đã có kế hoạch xây dựng hồ La Ngà 3, công trình quyết định nguồn nước cung cấp cho các khu công nghiệp trên địa bàn Hàm Tân bền vững.
Kênh tiếp nước liên huyện phía Nam dự kiến sẽ đấu nối vào cuối Kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân. Một nhánh đi về xã Tân Đức sẽ cấp nước cho KCN Tân Đức sau này và một nhánh về xã Sông Phan (Hàm Tân) và hồ Tà Mon (Hàm Thuận Nam). Còn phương án cấp nước cho KCN Sơn Mỹ, trước mắt sẽ lấy nước tại kênh chính Tây Sông Dinh 3, sau đó sẽ lấy nước tại hồ Sông Dinh 3.