Công ty Xây dựng Phan Đình: Thi công, xây dựng, đầu tư, phát triển hướng về cộng đồng
Kinh tế - Ngày đăng : 05:57, 07/01/2023
* Giáo dục truyền thống - Du lịch về nguồn
Ánh nắng vàng trải rộng, nhưng không xua tan được cảm nhận se se lạnh của ngày đầu xuân khi lên nơi cao nhất của khu rừng già Sa Lôn. Công trình Khu di tích Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ vừa hoàn thành, chưa mở cửa đón khách tham quan, nhưng chúng tôi bắt gặp nhiều nhóm thanh niên người dân tộc K’ho xã Đông Giang, La Dạ lên tận đỉnh Sa Lôn để tận mắt ngắm nhìn những căn hầm, nơi làm việc, hội họp, nơi ăn nghỉ của các vị lãnh đạo Tỉnh ủy, cán bộ văn phòng thời kháng chiến; xem khu bếp Hoàng Cầm huyền thoại, nấu không thấy khói nằm bên dòng suối “chín khúc” róc rách đêm ngày như bản nhạc muôn thuở của núi rừng Đông Giang, dù máy bay địch có lượn trên đầu cũng không thể nào phát hiện được. Anh K’ Hoa tuổi đời vừa tròn 25, lớn lên ở xã Đông Giang bộc bạch: “Tuổi trẻ chúng tôi từng nghe kể chuyện về căn cứ cách mạng ở khu rừng Sa Lôn trong chiến tranh, nhưng chưa hình dung được cuộc sống và làm việc, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ cách mạng ngày trước gian khổ và anh hùng đến thế. Nhìn thấy các di tích được phục hồi, những câu chuyện cảm động trong chiến tranh ở căn cứ kháng chiến Sa Lôn lại ùa về trong tâm trí chúng tôi…”.
Từ trên đỉnh Sa Lôn nơi quy hoạch phục dựng các di tích gốc ở độ cao gần 500 m so mặt biển, theo 620 bậc tam cấp, chúng tôi xuống chân khu rừng nơi có đài tưởng niệm, nhà trưng bày hiện vật, khu đón tiếp khách tham quan. Những dòng chữ đỏ ghi trên bia tưởng niệm mọi người chăm chú đọc: Khu rừng Sa Lôn là nơi Tỉnh ủy Bình Thuận đã 3 lần dừng chân trong 8 năm để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ. Khu di tích còn lưu lại các hầm trú ẩn, lán trại, bếp Hoàng Cầm, hội trường, hiện vật gắn với quá trình sinh hoạt, làm việc, chiến đấu của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ.
Ông Phan Đình Châm, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Phan Đình – đơn vị thi công công trình chia sẻ: “Đây là công trình trọng điểm của tỉnh ở khu rừng Sa Lôn với diện tích hơn 10 ha. Trong đó, các hạng mục xây lắp được thi công trên diện tích hơn 2,5 ha bao gồm hàng chục hạng mục: Khu tiếp đón khách, đài tưởng niệm, nhà truyền thống, hội trường và khu di tích gốc. Bây giờ ngồi nghĩ lại công trình hoàn thành, an toàn mới thấy vượt qua, đạt được như một kỳ tích. Trong đó có lực lượng thợ tay nghề cao trong thi công kiến trúc di tích, có nhiều kỳ tích trong quá trình thi công. Từ khu tiếp đón khách tham quan lên khu di tích gốc có độ cao 120m, để xây dựng hệ thống hầm, nhà lục giác nghỉ chân, bếp Hoàng Cầm và xây 620 bậc tam cấp, công nhân phải vận chuyển mang vác cả gần chục ngàn tấn vật liệu các loại lên dốc núi cao nơi thi công. Hơn nữa, thi công công trình trong điều kiện dịch Covid-19 lây lan mạnh, nhưng cả đơn vị phòng chống dịch bệnh tốt, nên không có trường hợp nào bị mắc bệnh Covid-19. Trong lúc cao điểm đơn vị đã huy động hơn 150 công nhân cùng hàng chục đầu xe, thiết bị chuyên dùng tranh thủ ngày nắng để thi công dứt điểm từng hạng mục công trình. Điều chúng tôi thấy tự hào là trong điều kiện thi công rất khó khăn, cây rừng dày đặc, nhưng đơn vị luôn có ý thức bảo vệ không xâm hại rừng. Ngay cả tuyến đường thảm nhựa dài 8,6 km băng qua khu rừng già xe máy, người lao động phải luồn lách, băng rừng sâu, đèo dốc vượt suối để thi công. Với phương châm “đường né cây rừng” nên tuyến đường khá ngoằn ngoèo, uốn lượn có nhiều cống bê tông qua suối. Có thể nói, đây là tuyến đường thảm nhựa đẹp nhất trong khu rừng nguyên sinh với nhiều khúc cua khá ngoạn mục”.
Khu di tích Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ nằm trong khu rừng Sa Lôn, thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Hiện khu di tích đã hoàn thành và bàn giao cho đơn vị quản lý. Giữa khu phụ trợ tiếp đón khách tham quan và khu di tích gốc có hệ thống đường nội bộ với tổng chiều dài hơn 1.500 m và có 13 nhà lục giác để khách dừng chân khi tham quan. Việc phục dựng lại các di tích gốc, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và phục vụ nhu cầu du khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử. Đồng thời, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để tổ chức các không gian phục vụ du lịch sinh thái, cắm trại, sinh hoạt, dã ngoại, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đưa khu di tích cách mạng ở rừng Sa Lôn vào hoạt động bộ mặt nông thôn vùng cao Đông Giang, La Dạ sẽ đổi thay và được nhiều người biết đến.
Ngoài công trình trọng điểm là Khu di tích Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, năm 2022 Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình còn thi công hoàn thành nhiều công trình khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh. Cùng với các công trình trên địa bàn Bình Thuận, Công ty Phan Đình còn thi công nhiều công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, quản lý, khai thác, bảo dưỡng thường xuyên hàng trăm km tuyến quốc lộ tại tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trường Sơn Đông, đầu tư xây dựng chợ… Các công trình do công ty thi công luôn bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và mỹ quan. Thương hiệu và uy tín của Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình ngày càng lan tỏa rộng.