Khi hạ tầng mở lối

Xã hội - Ngày đăng : 10:06, 08/01/2023

Trong quá trình ấy, vốn đầu tư công kết hợp các nguồn vốn khác đã tập trung đầu tư chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng… nên Hàm Tân bỗng khang trang, nhộn nhịp hẳn lên khiến ai từng biết đều ngạc nhiên khi quay trở lại.

Chạy đua cho phát triển

Thời điểm cuối năm này, xã Sông Phan càng thêm nhộn nhịp, khi cao tốc Bắc - Nam được thi công đi qua địa bàn huyện Hàm Tân và mở đường nhánh kết nối tại xã, đã ra hình dáng. Ngay cả trụ sở xã cũng phải di dời nên hiện tại, việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc các cơ quan xã Sông Phan mới là hết sức cấp thiết. Bên cạnh đó, tuyến đường liên xã Sông Phan – Tân Nghĩa trong giai đoạn 2016 – 2020 mới chỉ được chấp thuận đầu tư ở giai đoạn 1, tức đoạn nối từ đường Đông – Tây đến hết địa bàn thị trấn Tân Nghĩa. Vì vậy, cần tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 để phát huy hiệu quả toàn bộ công trình cũng như tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản.

bql-ham-tan-1-.jpg

Khu vực đang nảy sinh trên là nơi bộn bề, cần được đầu tư sớm để góp phần hoàn chỉnh thêm cho hạ tầng cơ sở đã được đầu tư liên tiếp gần 7 năm qua của Hàm Tân. Nếu thời gian đầu sau khi thành lập huyện Hàm Tân mới, việc đầu tư hạ tầng vẫn có nhưng rải rác thì đến giai đoạn 2016 – 2020, mới xuất hiện hàng loạt công trình trên các lĩnh vực. Tổng vốn thực hiện nhiệm vụ đầu tư và phát triển trên địa bàn huyện trong giai đoạn này đến hơn 500 tỷ đồng, nên đã quyết định làm thay đổi diện mạo, bộ mặt của huyện một cách rõ rệt. Các công trình trong khu Trung tâm Hành chính huyện, các công trình trường học ở các cấp học và thêm các công trình công cộng như hoa viên, vỉa hè, điện chiếu sáng… đã khiến không chỉ 2 thị trấn Tân Nghĩa, Tân Minh nổi bật với môi trường xanh, sạch, đẹp mà quang cảnh các xã khác cũng đàng hoàng hơn.

Kết quả trên không đơn giản được tỉnh quan tâm là được, bởi thủ tục đầu tư là cả quá trình. Hơn thế, còn phải hoạch định đầu tư sao cho đúng trọng tâm, trọng điểm để tạo hiệu quả cao trong sử dụng vốn lẫn hình thành diện mạo của 1 huyện mới. Trách nhiệm đó cũng nặng hơn trong giai đoạn 2021- 2025 với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hàm Tân. Với nhiệm vụ tranh thủ các nguồn lực trong đầu tư và phát triển, Ban đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn rà soát, đánh giá thực tế và tiếp tục tham mưu UBND huyện trình UBND tỉnh. Nhất là các công trình còn thiếu hoặc chưa được đầu tư để sớm được đầu tư mới trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025. Kết quả đạt được ngay từ đầu giai đoạn, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư với 31 danh mục công trình với tổng số vốn đầu tư trên 410 tỷ đồng.

bql-ham-tan-2-.jpg
Trung tâm Hành chính huyện Hàm Tân. Ảnh: N.Lân

Chạy đua đến huyện nông thôn mới

Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận cho chủ trương đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hàm Tân đã chủ động khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để tham mưu UBND huyện trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các danh mục công trình trên. Điều đáng nói là tất cả các công việc này phải theo đúng thời gian quy định để đảm bảo đủ điều kiện cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt kế hoạch đầu tư công giai đoạn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Từ đây, mới đủ điều kiện đảm bảo cho việc bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cũng như tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, ngay sau khi được UBND tỉnh bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư để chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng trong năm 2021, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hàm Tân đã khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định để sớm tổ chức triển khai đấu thầu và thực hiện thi công các công trình. Thời điểm ấy, đại dịch Covid-19 bùng phát, Hàm Tân dù không phải điểm nóng nhưng cũng chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội. Thế nhưng, cũng trong năm ấy, trên địa bàn huyện có đến 16 danh mục công trình với tổng mức đầu tư gần 170 tỷ đồng được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hàm Tân, bước sang năm 2022, vẫn chưa hết khó khăn nhưng với sự chỉ đạo thường xuyên của Thường trực Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, Ban đã kịp thời tham mưu tiếp tục thực hiện các bước như thẩm tra, thẩm định trình phê duyệt dự án đầu tư, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đối với nhóm danh mục công trình đã được UBND tỉnh bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư. Nên từ đó nhiều công trình đã được phê duyệt trong năm 2022, mới có thể triển khai xây dựng. Tổng số vốn đầu tư trong năm 2022 đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư gần 105 tỷ đồng/12 danh mục công trình, trong đó phần lớn là các công trình trường học, tiếp đến là các tuyến đường liên thôn, liên xã và hoàn thiện các công trình văn hóa. Nhờ vậy, đã góp phần giúp các xã đạt tiêu chí số 5 về trường học, tiêu chí số 2 về giao thông và tiêu chí số 6 về các thiết chế văn hóa trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Từ đây, phấn đấu cuối nhiệm kỳ huyện đạt huyện nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

Theo ông Hà Lê Thanh Chung, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, Bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo Quyết định 318 có nhiều thay đổi nên kế hoạch đến năm 2025, huyện Hàm Tân về đích nông thôn mới có khó khăn hơn, nhất là trong xây dựng các công trình gắn liền với các tiêu chí cần vốn lớn. Vì vậy, đầu năm 2023, huyện sẽ rà soát đầu tư công trung hạn trên địa bàn, bổ sung công trình, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ về vốn của tỉnh, Trung ương cũng như nỗ lực của ngân sách huyện để phấn đấu về đích nông thôn mới.

CAO THÔNG