Sức mạnh của những công trình bức xúc

Kinh tế - Ngày đăng : 19:25, 08/01/2023

Từ một dự án triển khai đã khiến vùng La Gi có thêm một bãi tắm vào mùa hè. Từ một công trình cũng giúp dân vùng này chủ động trong sản xuất hè thu sớm. Đó là những công trình bức xúc mà Ban QLDA nông nghiệp tỉnh đầu tư mang lại nhiều đổi thay.

Bãi sình thành bãi tắm

Cảng cá La Gi những ngày cuối năm xô bồ như thường thấy với tàu thuyền ra vào bến, bốc dỡ hải sản và đủ thứ âm thanh hỗn tạp cùng con nước mùa bấc cứ dềnh lên mang nhiều rác đập vào kè bờ tả. Nhưng ở bên kia kè bờ hữu là 1 vùng yên ả, sóng vỗ bờ êm dịu, nước biển xanh như ngọc. Theo lối ra vùng biển êm này là nhiều đường ống dẫn nước biển vào cảng để rửa hải sản và nghe nói còn chuyển đi xa hơn đến vùng nuôi tôm gần đó. Vì sao lại có cảnh đối lập như thế trên một cảng biển? Một người dân ở phường Phước Lộc kể theo kiểu như là người phát hiện một bí mật. Chuyện là một ngày cách đây hơn 1 năm, người hàng xóm rủ chị đi tắm biển, vì ở khu vực vốn trước đây là 1 bãi sình bỗng giờ thành 1 bãi biển sạch, có thể tắm được. Tò mò, chị đi ra Cảng cá thị xã thì thấy đúng thật. Nơi trên cảng vốn trước đây, dân hay quăng rác thì nay đã được bê tông cao ráo, có nhà quản lý. Từ đó ra thẳng biển thuộc bên kia kè hữu ngạn, nằm đối diện 1 khu dân cư lúc ấy đang xây dựng hạ tầng nhưng giờ đứng im là 1 vùng biển với bãi cát trắng êm, nước biển xanh trong. Rồi người này bảo người kia nên bây giờ, nơi đây là bãi tắm lý tưởng của riêng dân Phước Lộc, vì khu dân cư ấy chưa hoạt động cũng có nghĩa không có lối ra biển, trừ phi theo đường vào cảng.

cang-la-la-gi-1-.jpg.jpg
Cảng cá La Gi. Ảnh: N. Lân

Đem câu chuyện ấy kể với ông Hà Thanh Bình, Giám đốc Ban quản lý Cảng thị xã La Gi thì được biết, khi kè biển được xây dựng năm 2018 từ dự án Mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá cửa biển La Gi do Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư với nhiều hạng mục như đê tả ngạn dài 150m; đê hữu ngạn dài 450m; kè K1, K2, K3; bến 200 - 400 CV… thì biển nơi này chia thành 2 khu vực như trên. Đặc biệt, tại bãi sình trước đây, theo thời gian, con nước lên xuống đã bồi đắp, lắng lọc thành khu vực nước êm, trong xanh, người dân hay xuống tắm, nhất là vào mùa hè. Còn bên kia thuộc khu vực neo đậu tàu thuyền thì thường không sạch, do luồng lạch đã đầy cần được nạo vét nhưng vì đang vướng thủ tục đấu giá nên cứ mỗi lần tàu thuyền ra vào bến cảng là chân vịt cày xới khiến nước như bị sụt khí. Nếu đơn vị trúng đấu giá tiến hành nạo vét sớm thì mùa mưa bão tới sẽ tiếp tục bảo đảm mục tiêu mà dự án đã thực hiện là mở rộng vùng neo đậu an toàn, đáp ứng phục vụ khoảng 1.600 tàu cá có công suất lên đến 600CV vào tránh trú khi có bão; nâng cao năng lực cảng cá, đạt công suất 175 lượt ngày/400CV...

Đó là những bức xúc của lúc ấy cho neo đậu tàu thuyền và đã giải quyết. Còn bây giờ, hiện trạng cảng có nhiều vấn đề cần phải đầu tư xây dựng thêm để bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa trên cảng, dưới biển, do hiện nay tại cảng có 2 - 3 đơn vị quản lý. Ngoài Ban quản lý cảng thị xã La Gi quản lý hơn 11.000 m2 ra, còn có đơn vị đầu tư hạ tầng cảng theo hình thức BOT và đơn vị chuyên nạo vét luồng lạch. Vì vậy, rất cần sự phối hợp, chung sức để xây dựng Cảng La Gi sạch đẹp nhằm liền một dải ra bãi tắm do tự nhiên vô tình tạo ra nhưng thực tế từ chính tác động trong xây dựng của con người.

Thêm nước đầy hồ

Bước vào mùa khô năm nay, hồ Sông Dinh 3 thuộc huyện Hàm Tân đạt 100% dung tích thiết kế với gần 27 triệu m3 nước. Theo đó, diện tích tưới theo thiết kế đặt ra là khoảng 2.000 ha nhưng thực tế, nhiều năm trước và đến giờ, diện tích tưới chưa qua 800 ha. Trong khi đó, hồ Núi Đất thuộc thị xã La Gi, cách đó khoảng 30 km thì lượng nước thực tế có tại hồ qua nhiều năm chưa bao giờ đạt dung tích thiết kế, hơn 9 triệu m3, thường chỉ dừng ở 50 - 70%; có năm đạt 95% là mừng cho sản xuất, vì không phải cắt giảm diện tích sản xuất lúa và phiên tưới thanh long. Đó là lý do tuyến kênh chuyển nước hồ Sông Dinh 3 – hồ Núi Đất dài hơn 30 km được khởi công xây dựng vào năm 2017. Cụ thể, gói số 8 thi công xây dựng nối từ kênh chính Đông hồ chứa nước Sông Dinh 3 đến suối Lồ Ô với tổng chiều dài 25,918 km và gói số 11 nâng cấp, mở rộng kênh chính Đông hồ chứa nước Sông Dinh 3 với tổng chiều dài 4,547 km.

cang-la-la-gi-3-.jpg.jpg
Bãi tắm mới hình thành ở Cảng cá La Gi.

Theo Ban QLDA nông nghiệp tỉnh, chủ đầu tư dự án trên, đến nay việc thi công tuyến kênh đã cơ bản xong, còn chưa thông hơn 100 m nữa, vì vướng đền bù, chủ yếu thuộc địa bàn huyện Hàm Tân. Cụ thể tại gói số 8, còn 11m nữa đoạn kênh bê tông chưa thi công được, do một số hộ dân cản trở và đề nghị hỗ trợ đền bù thiệt hại chi phí sản xuất nông nghiệp do lũ cuốn trôi. Tuy nhiên do không có căn cứ nên không thể hỗ trợ được. Còn tại gói số 11, có 90 m đoạn kênh bê tông chưa triển khai thi công được, vì 2 hộ dân chưa giao mặt bằng do có hộ chưa chịu nhận tiền, có hộ chịu nhận thì bị vướng thủ tục thừa kế.

Theo lãnh đạo của UBND huyện Hàm Tân, ăn tết xong, nếu các hộ dân trên không chịu giao mặt bằng thì huyện sẽ bảo vệ thi công. Vì công trình này không chỉ bức xúc của dân La Gi mong sớm tiếp nước cho hồ Núi Đất phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất của thị xã mà còn là sự quan tâm của người dân 3 xã, nơi có tuyến kênh đi qua của Hàm Tân để ổn định sản xuất.

Lúc ấy, dân ở La Gi, nhất là các xã Tân Tiến, Tân Hải sẽ vui hơn tết. Vì trước mắt, chỉ cần chuyển nước từ hồ Sông Dinh 3 vào mùa mưa sẽ giúp hồ Núi Đất trữ nước đạt thiết kế để có thể sản xuất vụ hè thu sớm một cách chủ động, thay vì phải chờ mưa mới dám sản xuất như lâu nay.

Nam Long