Vì tài nguyên là hữu hạn

Kinh tế - Ngày đăng : 19:54, 08/01/2023

Giá trị mới

Sau khi so sánh, phân tích không gian biển, vùng bờ cũng như mức thu tiền khu vực biển của một số tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận đề xuất UBND tỉnh thực hiện mức thu cao nhất với phần lớn các nhóm, theo Nghị định số 11/2021/ NĐ-CP của Chính phủ về quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Vì theo các Nghị quyết của Trung ương lẫn tình hình thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng tài nguyên biển ngày càng cao, đặc biệt là các dự án phát triển kinh tế biển bền vững như điện gió ngoài khơi, du lịch biển. Đây lại là một trong những lợi thế về mặt tự nhiên của vùng biển Bình Thuận. Bằng chứng, từ các năm trước, nhiều nhà đầu tư đã phát hiện điều đó ở vùng biển Bình Thuận nên đến giờ, sau những khởi động đã xuất hiện một số nhà đầu tư đăng ký đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh cho khảo sát, nghiên cứu các dự án điện gió ngoài khơi. Đến nay, số dự án đang có đã chiếm diện tích 20.000 km2 mặt biển trong vùng nội thủy rộng 21.000 km2 của tỉnh, vùng biển mà tỉnh quản lý như trên đất liền.

so-tn-mt.jpg
Biển Mũi Né - Phan Thiết. Ảnh: N. Lân

Trong bối cảnh trên, việc quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của UBND tỉnh theo Quyết định 29 có hiệu lực từ ngày 20/12/2021 là một cách sàng lọc để nhà đầu tư có năng lực thật sự được tiếp cận khu vực biển, sớm triển khai dự án. Điều đó sẽ đến rất nhanh, vì ngay trong năm 2022, có đến 3 quy hoạch quốc gia liên quan đến biển lấy ý kiến ở địa phương. Trong đó, có nội dung đề xuất đo đạc, quan trắc, khảo sát, đánh giá tài nguyên năng lượng gió phục vụ lập Quy hoạch điện VIII cho các dự án điện gió ngoài khơi biển Bình Thuận. Bên cạnh việc góp ý, tham mưu trên, sở cũng tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Như năm ngoái, hoạt động trên được UBND tỉnh xếp loại tốt qua Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 26/9/2022. Còn năm 2022, dù chưa có kết quả nhưng trong năm không xảy ra sự cố môi trường biển nào, sản lượng đánh bắt cá tăng vọt nên sẽ tiếp tục đạt kết quả trên. Song song đó, sở cũng đang triển khai giai đoạn 2 trong thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển của tỉnh và sẽ hoàn thành trong năm tới. Đây được xem là những nỗ lực của ngành chức năng đối với khu vực biển trong thẩm quyền quản lý để tạo ra giá trị mới cho quá trình thu hút đầu tư của tỉnh.

Như của để dành

Cũng xuất phát từ mục đích trên, câu chuyện nguyên vật liệu phục vụ cho xây dựng cao tốc tại tỉnh cho thấy giá trị của tài nguyên góp phần đem lại hiệu quả nhiều mặt đến thế nào. Dù lúc đầu có nói ra vào là thiếu đất đắp, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công cao tốc nhưng vấn đề chính lúc ấy xoay quanh thủ tục giải quyết nguồn vật liệu trong và ngoài quy hoạch, chứ không phải thiếu vật liệu. Thực tế, nguồn nguyên vật liệu của tỉnh dồi dào nên khi Chính phủ có chủ trương thực hiện chính sách đặc thù, không đấu giá mỏ thì sau đó nguồn nguyên liệu phục vụ cho cao tốc đầy đủ. Đến tháng 11/2022, thời điểm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đi kiểm tra tuyến cao tốc Dầu Giây – Vĩnh Hảo, chỉ mỗi đơn vị thi công gói thầu số 3 trên tuyến thuộc huyện Xuân Lộc – Đồng Nai báo cáo nguyên nhân chậm tiến độ là do việc thiếu đất để đắp nền... Còn địa bàn Bình Thuận vẫn đáp ứng đầy đủ. Dự kiến, tuyến cao tốc dài 200km trên đi vào hoạt động vào dịp 30/4, Bình Thuận khắc phục được 1 điểm “nghẽn” trong thu hút đầu tư lâu nay là giao thông đối ngoại. Qua đó cho thấy rằng, dù có lúc này lúc kia nhưng chung quy, Bình Thuận cũng đã giữ gìn được nguồn nguyên liệu, chờ đến thời điểm kết nối để tạo sức bật khác.

so-tn-mt-1.jpg
Ông Trần Nguyên Lộc - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.

Đâu chỉ thế, Bình Thuận vốn là vùng đất rộng nhưng thiếu nước, nguy cơ sa mạc hóa cục bộ vẫn âm thầm diễn ra và có khả năng lan rộng, nhất là khi các hoạt động sản xuất kinh doanh theo xu thế phát triển đã nâng tần suất ngày càng cao Vì thế, bên cạnh việc tỉnh đẩy mạnh đầu tư các công trình thủy lợi chuyển nước đến vùng khát, nhiệm vụ của ngành đặt ra cũng bứt thiết hơn trong yêu cầu giữ gìn nguồn nước trong đất. Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đẩy nhanh hoàn thành dự án: “Lập, quản lý vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt” và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Song song đó, sở cũng đã công bố danh mục vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt các công trình đã cấp phép khai thác, sử dụng nước phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nước trong hoạt động khai thác titan, không sử dụng nước dưới đất trong vùng quy hoạch để phục vụ khai thác, tuyển quặng titan...

Ông Trần Nguyên Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc quản lý, giữ gìn, bảo vệ các nguồn lực tài nguyên từ ngoài vùng nội thủy cho đến trên đất liền để tạo ra giá trị mới trong quá trình thu hút đầu tư của tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng. Do đó việc phân bổ sử dụng phải thật tiết kiệm, mang lại hiệu quả cao nhất và vẫn phải đảm bảo để dành cho tương lai.

Song song đó, tại những điểm nóng như Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, sở không chỉ theo dõi việc sử dụng tài nguyên nước của các nhà máy theo đúng giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp mà còn giám sát môi trường chung chặt chẽ. Nếu các năm trước hồi hộp bao nhiêu, khi mùa gió bấc thổi thì nay cơ bản bụi than không còn vào nhà dân, tiếng ồn cũng đã khắc phục. Còn tại các điểm nóng về môi trường khác như Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài, các trang trại chăn nuôi heo, khu vực sông Giêng giáp ranh giữa Bình Thuận và Đồng Nai đều có chuyển biến tốt trong năm 2022. Mấu chốt vấn đề là thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở để cơ sở khắc phục, đồng thời cũng phối hợp, thu hút sự quan tâm của các cơ quan khác có chức năng, cao nhất là Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát. Vì vậy, đến nay, qua theo dõi, giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm điểm nóng về môi trường.

Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thu về cho ngân sách gần 110 tỷ đồng, từ các hoạt động gồm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 56,9 tỷ đồng; thu phí bảo vệ môi trường từ nước thải công nghiệp 26,6 tỷ đồng; thu từ tài nguyên nước 20,5 tỷ đồng và thu tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 5,8 tỷ đồng.

bích nghĩa