Rừng xanh lá, cuộc sống người dân thêm vui

Đời sống - Ngày đăng : 10:49, 09/01/2023

Sau hơn 10 năm chính thức thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), không chỉ diện tích rừng đủ điều kiện để thực hiện việc chi trả tăng lên mà cuộc sống của người dân tham gia nhận khoán cũng ngày một khá hơn.

Đến nay đã có 2.094 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ diện tích rừng thực hiện Chính sách chi trả DVMTR. Trong đó có khoảng 90% là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Hiện nay, hộ nhận khoán bảo vệ rừng ít nhất khoảng 30ha và nhiều nhất khoảng 70ha. Với mức chi trả tiền công bảo vệ 300.000 đồng/ha/năm thì mỗi hộ có thu nhập từ 9 triệu đồng đến 21 triệu đồng/năm. Mặc dù cơ cấu thu nhập từ tiền DVMTR so với tổng thu nhập của hộ gia đình hiện nay vẫn còn thấp (khoảng 25%), nhưng cũng đã góp phần nâng cao thêm thu nhập cho người dân, để cải thiện cuộc sống và ổn định sinh kế lâu dài. “Cuộc sống của người dân ngày một nâng lên, nhiều hộ dân coi tiền công nhận khoán bảo vệ rừng như một khoản tiết kiệm để dùng vào việc lớn. Với khoản tiền này, nhiều hộ dân đã mua sắm trang thiết bị trong nhà giúp cuộc sống ngày một tốt hơn. Như nhà tôi vừa mua được cái tủ lạnh gần 20 triệu đồng từ tiền nhận khoán bảo vệ rừng. Nói chung, nguồn thu từ nhận khoán bảo vệ rừng so với các nguồn thu nhập khác còn thấp nhưng được cái ổn định và lâu dài”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ.

09f5fb4b2976f028a967.jpg
Thực hiện chi trả DVMTR giúp bảo vệ rừng bền vững hơn

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc tham gia nhận giao khoán bảo vệ rừng đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng của các cấp chính quyền, các ngành và các hộ nhận khoán, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng, các hộ nhận khoán với chủ rừng và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các hộ nhận khoán còn thành lập các tổ bảo vệ rừng từ đó đã làm tăng sức mạnh để trấn áp các đối tượng vi phạm, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ rừng. Việc tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh còn góp phần quản lý có hiệu quả tài nguyên rừng, làm suy giảm suy thoái rừng và tạo điều kiện cho rừng tái sinh tự nhiên, hạn chế nạn phá rừng làm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Các vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép phần lớn được phát hiện, xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng rừng bị phá, bị khai thác đến mức nghiêm trọng.

Thực hiện Chính sách chi trả DVMTR cùng với các chủ trương, chính sách khác về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý cho các chủ rừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện nay. Hạn chế, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, bảo vệ và phát triển vốn rừng, góp phần giữ vững an sinh xã hội ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Trong năm 2022 không có vụ việc lớn nào xảy ra làm suy giảm, mất rừng; diện tích, chất lượng rừng cung ứng DVMTR được bảo đảm. Nhờ việc thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ rừng mà diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR ngày càng tăng lên. Năm 2022 diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR là hơn 154.066 ha, tăng 273,2 ha so với năm 2021.

Nguyễn Luân