Gặp “lão ngư” trọn đời với biển cả
Đời sống - Ngày đăng : 14:52, 09/01/2023
Hơn 45 năm gắn bó với biển
Tôi hẹn gặp ông vào một ngày cuối năm khi ông vừa đánh bắt dài ngày trở về. Trong tiết trời se lạnh của tháng chạp xen lẫn cái tất bật, vội vã khi xuân đang đến gần, câu chuyện về những chuyến hải trình vươn khơi bám biển của “lão ngư” Nguyễn Hữu Thanh (khu phố 5 - phường Đức Thắng – TP. Phan Thiết) khiến thời gian như ngừng trôi.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề biển, nên 5 anh em ông Thanh đều nối nghiệp cha. Mới bước sang tuổi 52, nhưng ông Thanh đã có hơn 45 năm gắn bó với biển, vì thế gần như trong những câu chuyện kể của ông đều chứa đựng tình yêu bao la với biển cả. Bởi ở đó không chỉ là nơi nhiều đời nhà ông mưu sinh, gắn bó, mà còn là khát vọng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 7 tuổi, bạn cùng lứa còn ham chơi, nhưng ông Thanh đã có những trải nghiệm đầu đời về biển trên những chuyến tàu vươn khơi đến vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng cha mình. Sau vài lần say tàu, vật vã trước những cơn sóng dữ, chàng thiếu niên ngày ấy vẫn dũng cảm, can trường theo cha bám biển khi hè về. Năm 18 tuổi, chàng trai ấy chẳng chút đắn đo khi chọn nghề biển để gắn bó, mưu sinh và nối nghiệp cha từ đó. Năm 1992, ông Thanh lập gia đình, ra riêng và bắt đầu sắm chiếc ghe đầu tiên cho riêng mình có công suất 75 CV. Đi biển có, ông Thanh tích góp dần, đến năm 1995, ông mua thêm 1 chiếc có công suất 125 CV, rồi theo thời gian nâng dần công suất lên 380 CV.
Vẫn nụ cười hiền và gương mặt rám nắng, ông Thanh nhớ lại: “Thời điểm đó, đi biển ham lắm, đi chuyến nào trúng chuyến ấy, mình dư dả mà anh em đi bạn cũng có cuộc sống no ấm. Sau vài năm gom góp, tôi mua thêm 1 tàu lớn có công suất 380 CV”. Không chỉ đầu tư sắm tàu lớn, ông Thanh còn mua sắm trang thiết bị hiện đại như máy tầm ngư, máy tầm xa, máy định dạng… Nhờ thế, những chuyến biển cứ đầy ắp cá tôm, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng chục lao động địa phương. Khi Nhà nước có chính sách dừng phát triển nghề kéo đôi, kéo đơn, ông Thanh bán bớt chiếc ghe nhỏ 75 CV do máy móc đã cũ, ông dồn sức cho 2 chiếc tàu lớn cùng những chiếc tàu khác trong Tổ đoàn kết số 1, phường Đức Thắng, kiên trì giương cao lá cờ Tổ quốc nối đuôi nhau vươn ra biển lớn, dù nghề biển những năm gần đây gặp nhiều khó khăn.
Là kênh tuyên truyền tích cực
Dạn dày kinh nghiệm với biển khơi, đã không ít lần chạm trán tử thần nhưng ông Thanh vẫn giữ trong mình lòng nhiệt huyết với biển cả. Khi tôi nhắc về những chuyến biển “sinh tử” liên tục xảy ra ở Bình Thuận gần đây, ông Thanh chia sẻ: “So với thời trước, hầu như tàu thuyền nào đánh bắt xa bờ đều được chủ tàu trang bị máy móc hiện đại, thông tin liên lạc, máy định vị, bộ đàm… nên hiếm xảy ra những tai nạn biển. Nếu có, chẳng qua là do ngư dân chủ quan, dù đã được cơ quan chức năng dự báo thời tiết thông tin. Thêm nữa, những năm gần đây, nghề biển khó khăn nên ngư dân ít đầu tư, tu bổ, sửa chữa tàu thuyền, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc do gặp sự cố trục trặc máy móc trên tàu”. Nhớ lại cơn bão năm 1983, ông tưởng mình đã nằm lại biển sâu khi vô tình đi vào tâm bão. “Năm đó, nếu không có kinh nghiệm đối đầu với siêu bão gió giật cấp 12 – 13, thì hôm nay tôi không còn ngồi đây trò chuyện với cô”, ông Thanh cười bông đùa rồi tiếp tục kể. “Lúc đó, mấy anh em phải lấy dầu đổ xung quanh tàu, rồi dùng 2 cây sào giằng kéo 2 bên thân tàu để giảm lực lắc lư, cũng như tránh gió giật chìm tàu. Nằm giữa tâm bão 3 – 4 ngày, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện để cơn bão lịch sử sớm đi qua. Ấy vậy mà thoát chết trong gang tấc”. Trong ký ức không muốn nhớ, ông nói rằng, “cơn bão ấy đã cướp đi sinh mạng hàng trăm ngư dân. Vì thế, anh em đi biển như người một nhà, luôn động viên, chia sẻ nhau lúc khó khăn, đó cũng là lẽ đương nhiên và cũng là cách sẻ chia, chung lòng của những người con lớn lên từ làng biển”.
Dù bây giờ ông Thanh không đánh bắt ngư trường ở Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng ông là một trong những người luôn tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn về Luật Biển quốc tế, vùng biển nước ngoài, chống khai thác IUU cũng như những thông tin về bảo vệ chủ quyền biển đảo… Đồng thời, ông còn động viên các anh em trong Tổ đoàn kết ký cam kết không xâm phạm lãnh hải nước ngoài, không vi phạm pháp luật khi làm ăn trên biển, không sử dụng những loại ngư lưới cụ cấm để đánh bắt hải sản. Vì ông hiểu rõ, đây là nguyên nhân làm nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, môi trường biển bị ô nhiễm nặng nề. Đôi khi nước mắt chan lẫn vị mặn đại dương, đã bước qua tuổi ngũ tuần, nhưng ông vẫn khẳng định rằng “bao giờ sức khỏe không cho phép tôi vui đùa trên đỉnh sóng, tôi mới thôi nghề biển”.
Lúc tôi chào ra về, cũng là lúc ông Thanh và bạn thuyền thay lá cờ Tổ quốc treo nơi mũi tàu. Nhìn lá cờ đỏ phấp phới trong gió xuân hướng thẳng ra biển lớn, tôi tin ông Thanh hay những ngư dân yêu biển khác sẽ là những chấm đỏ, những cột mốc sống trong hành trình mấy ngàn năm giữ gìn chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Năm 2021, ngư dân Nguyễn Hữu Thanh vinh dự được tuyên dương là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương từ năm 2012 đến nay; đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 và là một trong những gương mặt tiêu biểu của thành phố Phan Thiết nhận nhiều bằng khen, giấy khen nhiều năm liền vì có nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh.