Cách ứng phó với biến thể XBB
Đời sống - Ngày đăng : 05:31, 12/01/2023
Dễ lây lan
Từ tháng 8/2022, các nhà khoa học trên thế giới phát hiện biến chủng XBB và lây lan ở 70 quốc gia trong 4 tháng qua. Biến chủng XBB của Omicron cùng họ hàng là XBB.1.5 đang gây ra 44% ca nhiễm ở Mỹ, lấn át các chủng phụ Omicron khác. Biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron. Điều này dẫn đến làn sóng lây nhiễm mới ở một số khu vực của châu Á, bao gồm Ấn Độ và Singapore vào tháng 10/2022. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đã gây các đợt bùng phát dịch mới ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bộ Y tế cho biết: Ngày 4/1/2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh ghi nhận xuất hiện biến chủng XBB của Omicron ở Việt Nam, biến chủng phụ thế hệ tiếp theo của chủng BA.2 Omicron. Diễn biến dịch Covid-19 vẫn khó lường, chưa ổn định. Các biến thể, biến thể phụ của vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của cả nước chiếm tỷ lệ cao, nhưng miễn dịch từ tiêm vắc xin này sẽ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, dự báo số trường hợp mắc Covid-19 có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán và mùa xuân năm 2023. Bởi thời điểm này đang giao mùa, cùng với việc nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước và các hoạt động giao thương, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán.
Tại Bình Thuận, từ ngày 1/1/2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 thông qua sàng lọc tại cơ sở y tế. Trước đó, tháng 12/2022, toàn tỉnh ghi nhận 165 ca, giảm 135 ca so với tháng 11/2022 (300 ca). Từ số liệu này cho thấy số ca mắc giảm mạnh vào những ngày đầu tháng 1/2023.
Mặt khác, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại tỉnh còn rất thấp so với cả nước. Cụ thể, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi nhắc lại lần 1 đạt 68,5% (tính đến hết ngày 9/1/2022), thấp hơn 11,1% so với tỷ lệ của cả nước (79,6%). Tỷ lệ trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi nhắc đạt 47,5%. Trong khi đó, tỷ lệ của toàn quốc đạt 68,5%. Tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm đủ liều cơ bản đạt 60,6%, thấp hơn 13,6% so với tỷ lệ của cả nước (74,2%).
Ứng phó tương tự
Trước sự xuất hiện của biến thể XBB, WHO khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa tương tự như trước đây. Đó là đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đông người, không gian kín; rửa tay thường xuyên; tiêm vắc xin đầy đủ, kể cả mũi nhắc cho người lớn và trẻ em. Theo đó, các loại vắc xin đã được phê chuẩn vẫn ứng phó với biến thể, có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do Covid-19.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 trước và trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Y tế Bình Thuận tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; duy trì đánh giá cấp độ dịch hàng tuần để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong. Tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhằm đảm bảo sử dụng hết số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ, không để lãng phí. Các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố thường xuyên theo dõi, rà soát các nhóm tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo quy định để kịp thời tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố huy động các cơ quan đơn vị có liên quan, phối hợp với ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin trên địa bàn.
Sở Y tế đề nghị các UBND huyện, thị, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương khẩn trương rà soát, lập kế hoạch triển khai và tổ chức tiêm ngay cho các nhóm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 (tiêm nhắc lại lần 1) kịp thời, đầy đủ. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2023, mật độ của các hoạt động giao thương, du lịch dày hơn. Nguy cơ số ca mắc Covid-19 sẽ gia tăng nếu như mỗi người dân không tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.