“Phù thủy” xe đạp cổ điển
Thể thao - Ngày đăng : 09:30, 12/01/2023
Trong số những người chọn nghề “làm đẹp” cho xe đạp, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với một người có tên “Nhánh xe đạp”, đang sống tại khu phố 3, phường Xuân An, TP. Phan Thiết.
Ngôi nhà số U7 trên con phố Ký Con nằm khuất sau những chậu cây cảnh và bóng mát của tán xà cừ, ít ai ngờ lại là nơi làm nghề của một ông thợ chuyên “làm đẹp” cho xe đạp. Không bảng chỉ dẫn, cũng không bảng hiệu, nhưng hầu như ngày nào cũng có khách lui tới. Người chọn xe, người sửa chữa, thậm chí nhờ tư vấn.
Gắn bó với nghề từ khi mới 18 tuổi, cho đến bây giờ đã qua tuổi 55, người ta quên mất cái tên khai sinh Nguyễn Văn Anh của ông, mà cứ gọi bằng “Nhánh xe đạp”. Ông cũng tự hào bởi cái tên đó. Bởi chừng ấy năm, tuy nghề không mang lại sự giàu có về của cải, chỉ đủ nuôi sống 4 thành viên trong gia đình, nhưng ông tìm được sự say mê cũng như niềm vui từ công việc mình đang làm.
Ông Nhánh giới thiệu: “Các loại khung xe và phụ tùng tại đây đều là hàng đã qua sử dụng, thuộc loại cổ. Sau khi nhập từ Campuchia về và phân phối cho các cửa hàng ở Tây Ninh, Long An, An Giang từ đó sản phẩm mới được vận chuyển đến những tiệm có nhu cầu”.
Cũng như các loại phương tiện khác, xe đạp rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Mỗi khung xe, hãng xe đi kèm với những loại phụ tùng, phụ kiện khác nhau. Vì thế nếu chỉ chịu khó, kiên trì là chưa đủ, mà còn đòi hỏi người thợ phải không ngừng tìm hiểu, sáng tạo để lắp ráp cho phù hợp, có vậy độ bền mới cao, vừa tạo cho mỗi chiếc xe sự khác biệt.
Không như các loại xe mới đang bày bán tại các cửa hàng, chỉ cần một vài tiếng là lắp ráp xong và có ngay chiếc xe để đi. Còn với dòng xe đạp cổ, hoàn thành nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc có mua được phụ tùng phù hợp không. Có những chi tiết như con ốc, bộ chuyển động, sên líp… mất hàng tháng trời, gõ cửa nhiều nơi mới hoàn thành được. Thậm chí nhiều chi tiết linh kiện nguyên bản không còn, ông phải tìm đủ cách để mua các thiết bị gần giống nhất hoặc chế lại, nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa, hợp lý, mang lại sự thoải mái cho người đạp. Cũng bởi lý do này mà hiện nay số người làm nghề như ông rất ít.
Tất bật từ 8 giờ sáng đến gần 5 giờ chiều, lúc nào dầu nhớt cũng dính đầy tay và lấm lem quần áo, nhưng khi khách hàng có nhu cầu tìm hiểu, lựa chọn xe, thì ông không ngần ngại tư vấn kỹ càng, sao cho vừa hợp với túi tiền và vóc dáng. “Làm ra được một chiếc xe đã là một kỳ công, nhưng để cho người sử dụng thực sự thoải mái và thích thú với chiếc xe của mình đó mới là điều quan trọng”, ông chia sẻ. Một chi tiết rất thú vị là chiếc xe đã hoàn thiện, khách hàng chọn có thể ông cho lấy về chạy thử, sau hai đến ba hôm nếu ưng ý thì thanh toán, còn không có thể trả lại. Nếu đạp xe để rèn luyện sức khỏe thì chỉ cần bỏ ra từ 3– 4 triệu đồng đã có một chiếc xe ưng ý. Còn những ai có điều kiện và nhu cầu sử dụng cao hơn, sẽ được ông tư vấn các loại chiếc xe khung nhôm, khung các-bon và ráp thêm những chi tiết cao cấp khác.
Sự xuất hiện của nhiều phương tiện hiện đại đồng nghĩa với việc xã hội đang ngày càng phát triển. Nhưng giữa nhịp sống hối hả, ở một góc nào đó vẫn có những người thợ say sưa, tỉ mẩn với công việc như ông “Nhánh xe đạp” - Nguyễn Văn Anh và chính họ đã và đang đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội theo cách riêng của mình.