Indonesia sẵn sàng điều 1.000 cảnh sát đặc nhiệm tới Papua đối phó bạo loạn
Quốc tế - Ngày đăng : 15:18, 12/01/2023
Những ngày qua, các vụ biểu tình bạo loạn đã bùng phát ở một số khu vực tại Papua, trong đó có trụ sở Lữ đoàn Cảnh sát cơ động Papua và sân bay Sentani ở thành phố Jayapura. Nguyên nhân là một số đối tượng ủng hộ Thống đốc Papua, ông Lukas Enembe, trở nên giận dữ sau khi nhân vật này bị Ủy ban chống tham nhũng (KPK) của Indonesia bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ.
Ông Lukas Enembe bị cáo buộc nhận 1 tỷ rupiah (hơn 64.000 USD) từ một công ty xây dựng để đổi lại việc tạo điều kiện cho dự án xây đường và cơ sở vật chất ở một trường mầm non. Tuy nhiên, ông Lukas Enembe phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc.
Hôm qua (11/1), cảnh sát Papua xác nhận 01 người biểu tình đã bị bắn chết và 19 người khác bị cảnh sát bắt giữ, thẩm vấn. Cảnh sát hiện đang thắt chặt các biện pháp an ninh tại các huyện Puncak, Dogiyai, Intan Jaya, Yahukimo, Mimika, thành phố Jayapura… thuộc Papua.
Tại Indonesia, BRIMOB là lực lượng cảnh sát được huấn luyện các nghiệp vụ tác chiến như một đơn vị quân đội, có tính năng cơ động cao do được trang bị các phương tiện vận chuyển riêng như máy bay vận tải, máy bay trực thăng, tàu và xe quân sự các loại. BRIMOB có nhiệm vụ giải quyết những nhiệm vụ đặc biệt đe dọa tới an ninh, đóng vai trò hỗ trợ trong kiểm soát bạo động.
Từng là thuộc địa của Hà Lan, Papua đã sát nhập vào Indonesia năm 1969 sau một cuộc bỏ phiếu do Liên Hợp Quốc bảo trợ. Khu vực này thường xuyên xảy ra xung đột vũ trang.
Tuần trước, Ủy ban chống tham nhũng (KPK) đã cáo buộc ông Lukas Enembe nhận 1 tỷ rupiah (64.164 USD) tiền hối lộ từ một công ty xây dựng, đổi lại việc tạo điều kiện cho dự án xây đường và cơ sở tại một trường mầm non. Ông Enembe đã phủ nhận toàn bộ các cáo buộc trên.
Đại diện KPK cho biết lực lượng chức năng đã đưa ông Enembe về thủ đô Jakarta để thẩm vấn. Luật sư của ông Enembe xác nhận vụ bắt giữ và cho biết thân chủ sẽ hợp tác với lực lượng chức năng để làm rõ cáo buộc.
Bộ trưởng an ninh Mahfud MD khẳng định cuộc điều tra không bắt nguồn từ động cơ chính trị, trong bối cảnh xuất hiện những tranh cãi liên quan đến nguyên nhân thực sự của vụ bắt giữ. Trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo cho biết KPK "đã có đủ bằng chứng", đồng thời nhấn mạnh tính công bằng của pháp luật trong mỗi vụ việc.
Bộ trưởng an ninh Mahfud cho biết hồi tháng 9/2022, ông Enembe cũng vướng phải cáo buộc liên quan sai phạm trong quản lý quỹ và hoạt động "rửa tiền" lên đến hàng trăm tỷ rypiah, dựa theo các báo cáo của Trung tâm phân tích và báo cáo giao dịch tài chính. Quan chức này đã bác bỏ toàn bộ các cáo buộc trên.