Kinh tế “trở mình”ở Đức Linh
Kinh tế - Ngày đăng : 05:28, 13/01/2023
Thu nhập bình quân đứng thứ 2 toàn tỉnh
Trong khi ở một số nơi, người lao động trong các công ty bị sự cố kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, chới với tìm việc làm dịp gần tết năm 2023 thì ở Đức Linh, người lao động được đứng trước nhiều cơ hội lựa chọn việc làm mới. Nếu muốn làm ở Cụm công nghiệp Nam Hà (xã Đông Hà) thì đầu quân vào Công ty giày Dona, trước mắt ra thử việc ở nhà máy của công ty cách không xa, ngoài Xuân Lộc – Đồng Nai. Sang năm, khi nhà máy ở cụm công nghiệp Nam Hà xây dựng xong thì chuyển về Đông Hà làm việc cho gần nhà. Đây là cách mà người lao động ở Đức Linh lựa chọn, vì chế độ tiền lương cũng như chính sách quan tâm người lao động của công ty này, trước mắt được đánh giá là tốt. Vì vậy, đã thu hút lao động rải đều ở các xã trong huyện nên mấy tháng qua, xe công ty rước trả công nhân hàng ngày khiến tuyến đường ĐT 766 trở nên nhộn nhịp.
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đức Linh, người lao động ở các xã, thị trấn trong huyện đã vào làm cho Công ty giày Dona với số lượng nhiều như thị trấn Võ Xu 850 lao động, thị trấn Đức Tài 750 lao động; tương tự Nam Chính 750, Trà Tân 600, Đông Hà và Mê Pu đều 500 lao động, Đa Kai và Tân Hà đều 250 lao động… Ngoài ra, cũng trong thời gian trên, các công ty bên Tân Phú, Định Quán – Đồng Nai qua các xã gần của Đức Linh như Sùng Nhơn, Mepu, Đa Kai, Đức Tín tuyển lao động. Ở thế cạnh tranh nên chế độ, chính sách giữa các công ty này cũng không chênh lệch quá xa, người lao động thấy phù hợp với điều kiện riêng của gia đình thì có thể lựa chọn. Vì vậy, thị trường lao động ở huyện sôi động. Đến cuối năm 2022, huyện giải quyết việc làm vượt qua con số 4.000 lao động, trong khi kế hoạch giao trong năm 2022 là 2.500 lao động.
Bên cạnh lao động cho công nghiệp nhộn nhịp trên, trong thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, dân Đức Linh cũng có công việc ổn định với thu nhập mỗi năm một cao. Như năm 2022, qua Văn bản số 435, Cục Thống kê Bình Thuận thông báo thu nhập bình quân nhân khẩu năm 2022 chia theo xã, phường, thị trấn cho thấy, huyện Đức Linh có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 2 toàn tỉnh. Cụ thể, mức thu nhập bình quân đầu người ở huyện là 60,240 triệu đồng, vượt mức thu nhập bình quân chung toàn tỉnh 51,660 triệu đồng/người.
Thương mại - dịch vụ gắn nông nghiệp
Có thể nói, năm 2022, cơ cấu kinh tế của Đức Linh thể hiện rõ nét của công nghiệp – dịch vụ gắn với nông nghiệp. Chính tình hình thu ngân sách vượt xa chỉ tiêu thu ngân sách năm đã chứng minh điều đó. Đến cuối năm 2022, số thu đã lên 182 tỷ đồng, đạt đến hơn 202% kế hoạch. Các khoản thu như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, thuế tài nguyên…đều tăng gấp đôi, gấp ba so năm ngoái. Nổi bật, như thuế giá trị gia tăng thu từ các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh cũng như hộ gia đình và cá nhân đã tăng từ hơn 40 tỷ đồng của năm 2021 lên gần 60 tỷ đồng năm nay, thuế thu nhập cá nhân cũng tăng từ hơn 17 tỷ đồng lên hơn 32 tỷ đồng; thuế tài nguyên từ hơn 1,2 tỷ đồng lên gần 6,6 tỷ đồng, hay lệ phí trước bạ tăng từ hơn 7,7 tỷ đồng lên hơn 21 tỷ đồng…
Theo phân tích của Chi cục Thuế Đức Linh – Tánh Linh, trong năm 2022, tình hình thu ngân sách của Đức Linh nổi lên 3 yếu tố. Trước hết, nông sản chế biến trên địa bàn Đức Linh, chủ yếu là mủ cao su và tinh bột mì, nếu các năm trước tập trung xuất khẩu thì các cơ sở, doanh nghiệp không phải đóng thuế; còn năm nay chủ yếu tiêu thụ trong nước nên phải chịu thuế suất 5%. Bên cạnh thị trường bất động sản tại Đức Linh đang sôi động, nhờ ảnh hưởng kéo theo từ các cụm công nghiệp đang khởi động trên địa bàn nên các giao dịch chuyển nhượng đất đai nhiều. Song song đó, nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ô tô lắp ráp và sản xuất trong nước từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022 đã khiến người dân ở Đức Linh mua ô tô rất nhiều. Tất cả các hoạt động trên đều khiến các khoản thu thuế có liên quan tăng cao.
Trong khi đó, chỉ tiêu sản lượng lương thực đạt 98,10% kế hoạch. Nguyên nhân do vụ lúa hè thu rồi, giá phân thuốc tăng gấp 3, trong khi vụ này ở Đức Linh năng suất lúa thường không cao, do ảnh hưởng sâu bệnh, lũ lụt…nên người dân không sản xuất lên đến 2.000 ha nhưng tập trung sản xuất vụ mùa sớm. Kết quả, có sụt sản lượng lương thực năm nhưng bù lại, góp phần triển khai tốt chủ trương sản xuất 2 năm 5 vụ trước đó của huyện nhằm đưa nông nghiệp đi theo hướng nâng chất lượng.
Ông Huỳnh Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết, Đảng bộ Đức Linh xác định trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp ở mức hợp lý nên năm nay, huyện tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, gắn với nông nghiệp, bảo đảm theo hướng nâng chất lượng nông nghiệp. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị, thu hẹp mùa vụ theo hướng 2 năm 5 vụ thay vì 6 vụ như trước là đẩy mạnh hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm thu nhập của người dân, nhất là nông dân tăng hơn năm ngoái. Đó cũng là hướng phát triển của huyện trong các năm tiếp theo.
Năm 2022, số HTX trên địa bàn huyện 25 HTX với tổng nguồn vốn điều lệ 36.135 triệu đồng, có trên 315 lao động đang từng bước hoạt động hiệu quả. Bên cạnh, toàn huyện hiện có 330 doanh nghiệp và 6.485 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Trong năm có 4 nhà đầu tư khảo sát, đề xuất đầu tư dự án với tổng diện tích đất 28,58ha và tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng.