Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công với cách mạng

Xã hội - Ngày đăng : 14:08, 14/01/2023

BTO-Sáng nay 14/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh cùng lãnh đạo một số ban, sở, ngành của tỉnh.

320b956f-78d2-4ba1-81a1-6cde8ca18514.jpeg
Đại biểu dự tại điểm cầu Bình Thuận

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thành 6/6 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương. Theo đó, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động tăng gần 1% so với năm 2021; lao động có việc làm tăng 1,5 triệu người; thu nhập bình quân tháng của lao động tăng gần 1 triệu đồng. 

Nét nổi bật trong năm 2022, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ trên 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động, các đối tượng yếu thế và gần 69 triệu lượt người lao động với tổng kinh phí trên 104.000 tỷ đồng; xuất gần 25.000 tấn gạo hỗ trợ cho hơn 1,6 triệu người; trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người có công với cách mạng. Cùng với đó là đẩy mạnh giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công trên tinh thần không bỏ sót những người có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế…

864278b3-04b1-470b-b763-7b3dd649d1ec.jpeg
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.

Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phải tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả đường lối Đại hội XIII của Đảng; Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và 10 năm; các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; có phản ứng chính sách kịp thời.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với các chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công", huy động mọi nguồn lực chung tay chăm lo đời sống của người có công; tăng cường vận động, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ. 

Cùng với đó phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; gắn kết cung-cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phát huy vai trò quản lý của Nhà nước và của các hiệp hội, hội đoàn nghề nghiệp trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ…

T.Hà