Nhân rộng các công trình trồng cây xanh

Xã hội - Ngày đăng : 06:04, 30/01/2023

UBND tỉnh vừa có kế hoạch triển khai nhân rộng các công trình trồng cây xanh trong các khối thi đua thuộc các cơ quan cấp tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Mục đích nhằm nhân rộng mô hình trồng cây xanh trên các tuyến đường dọc kênh thủy lợi, các tuyến đường liên huyện, liên xã, khuôn viên cơ quan, trường học, các khu đất trống, đồi trọc do Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong khối thi đua. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò của việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phục hồi mảng xanh, phát triển cây xanh trên địa bàn.

z3053320015113_8eab5c28ddb6a1f9995d75cda5e9ffd1.jpg
Cây xanh dọc tuyến kênh thủy lợi trong tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các khối thi đua thuộc các cơ quan cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các công trình trồng cây xanh trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025. Hàng năm mỗi khối thi đua thực hiện hoàn thành ít nhất 2 công trình trồng cây xanh, mỗi công trình trồng tối thiểu 1.000 cây. Riêng trong năm 2023, các khối thi đua thuộc các cơ quan cấp tỉnh hoàn thành xây dựng kế hoạch trước ngày 15/2. Đồng thời khảo sát, huy động nguồn lực trong quý 1 và tổ chức trồng trong mùa mưa 2023. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, địa điểm trồng cây xanh dọc các tuyến kênh thủy lợi gồm: kênh tiếp nước hồ Lòng Sông - Đá Bạc (Tuy Phong); kênh chính Đông của Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết; kênh tiếp nước hồ Cà Giây (Bắc Bình); kênh tiếp nước đập 812 - Châu Tá - Sông Quao (Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc); kênh chính Sông Quao (Hàm Thuận Bắc); kênh tiếp nước hồ Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon; kênh chính Đông và Bắc Ba Bàu (Hàm Thuận Nam); kênh chính Sông Phan; kênh chính Tây hồ Sông Dinh 3 (Hàm Tân). Ngoài ra còn các tuyến đường liên huyện, liên xã, khuôn viên cơ quan, trường học, các khu đất trống tại các địa phương; các khu vực đất đồi núi chưa sử dụng do Nhà nước quản lý trên địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và TP. Phan Thiết.

z3053314548866_33cb5e10572b5fc952532276160e1ec5.jpg
Hồ thủy lợi Cà Giây (Bắc Bình).

UBND tỉnh yêu cầu loài cây trồng được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện lập địa, điều kiện sinh thái của từng địa phương, từng khu vực cụ thể. Trong đó ưu tiên trồng cây bản địa lâu năm, cây gỗ lớn, có giá trị bảo vệ môi trường và phòng hộ cao như bạch đàn, keo lai, xoan chịu hạn…

z3657548563721_23a4b26dc4b1342c0084980ba21188f2.jpg
Trồng cây phân tán trên các tuyến đường lớn tại TP. Phan Thiết.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu, lựa chọn một số loài cây trồng phân tán khu vực đô thị theo danh mục loài cây trồng thực hiện kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Kiều Hằng