Phan Thiết - Một thời khói lửa
Xã hội - Ngày đăng : 09:07, 30/01/2023
Trải qua 45 ngày đêm tấn công và nổi dậy với khí thế đầy hào hùng, quyết liệt, quân ta đã đánh 144 trận lớn nhỏ, diệt 4.485 tên địch (trong đó có 886 lính Mỹ), bắn rơi 34 máy bay, phá hủy 28 xe tăng, xe quân sự, diệt 2 chi đoàn xe bọc thép…
Đây là những dòng hồi ký còn nhuốm mùi khói lửa, đạn bom của một cựu chiến binh Xuân Mậu Thân Phan Thiết năm ấy: 8 giờ sáng ngày 18/2/1968, bắt đầu một ngày mới là hàng đàn máy bay các loại, từng đợt pháo bầy thi nhau trút xuống khu vực chợ Gò, sau các đợt pháo, máy bay ném bom, là bộ binh, xe tăng địch xông lên phản kích, nhất là hướng đường Lương Ngọc Quyến, từ Kho Bạc lên hướng bệnh viện…
Khu vực trường Nữ, anh Võ Hữu dùng lựu đạn, bộc phá vượt khu đất trống giữa trường Nữ và biệt khu Bình Lâm đánh phá rào để chiếm lô cốt đầu cầu và đã anh dũng hy sinh - đó là cảnh mở màn của ngày thứ 2 ở trận địa chợ Gò, ngày 19/2/1968 - các loại hỏa lực của địch lại thi nhau dội xuống khu vực quân ta chiếm được. Sau mỗi đợt bom pháo, nhô lên khỏi miệng hầm quan sát, cảnh vật hoàn toàn lạ lẫm, các ngôi nhà cao thấp lần lượt biến mất, chỉ còn vài bức tường chỏng chơ xiêu vẹo. Những căn hầm của chúng tôi cũng được đắp dày thêm bằng những mảng tường nhà đổ đè lên, có khi lấp cả miệng hầm, phải phá vỡ ra để có miệng hầm mới. Cuộc chiến của anh em ở biệt khu Bình Lâm còn ác liệt hơn, hầm hố chiến đấu của anh em chỉ là bờ tường, hốc đá, những căn nhà đổ nát. Từng đợt phản kích của địch đều bị đẩy lùi và cũng như hôm trước trời tối lại tổ chức đưa TBLS ra ngoài, dân công hỏa tuyến lại vào tiếp tế.
Ngày 20/2/1968, địch ít phản công bằng bộ binh mà chủ yếu dùng máy bay thả bom, các loại pháo thi nhau bắn cấp tập vào trận địa. Nhô lên khỏi hầm nhìn bao quát xung quanh trận địa, từ trường Nữ chạy dọc bờ sông đến cầu Lò Heo, dọc đường Lương Ngọc Quyến đến phố 30 căn, là cảnh hoang tàn đổ nát, mới nhìn qua ai cũng nghĩ nơi đây không còn sự sống.
Thế nhưng có ai biết rằng ở nơi đây hàng trăm con người đang được đất mẹ chở che, họ ngồi im dưới những căn hầm chịu đựng, chờ đợi, dù trên đầu họ là bom tấn, pháo bầy. Họ bám trụ nơi đây vì đó là mệnh lệnh, là kỷ luật chiến trường mà họ chấp hành bằng tính tự giác cao độ, chịu đựng cũng là chiến đấu anh dũng trước quân thù, bởi chạy là hèn, là thủ tiêu ý chí chiến đấu, không xứng đáng với bao người đã xông lên, ngã xuống…
Đó là một đoạn trích từ hồi ký Mậu Thân 1968 của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tra. Trong cuốn “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Bình Thuận” phần nói về cuộc tổng tấn công Xuân Mậu Thân vào Phan Thiết có vài dòng ngắn gọn: đồng chí Nguyễn Hữu Tra chiến sĩ thông tin ở Sở chỉ huy, đồng chí đã diệt hơn 20 tên giặc, đánh lui một mũi phản kích của địch… 55 năm trước, vào tết Mậu Thân 1968, anh Tra vừa tròn 23 tuổi.
Còn rất nhiều anh hùng, liệt sĩ đã dùng dòng máu nóng tuổi thanh xuân của mình để viết nên bản hùng ca Mậu Thân bi tráng. Tên tuổi các anh giờ đã hóa thành tên đường, tên phố của TP du lịch xinh đẹp này, như anh hùng Từ Văn Tư, anh hùng Võ Hữu…
Và đây là một đoạn trích trong cuốn quân sử của quân lực Việt Nam Cộng hòa về trận chiến tại Phan Thiết Mậu Thân 1968: Mỗi lần dội bom xong tiến vào,quân đội Mỹ lại bị bắn dội ra không vào được. Trong hai ngày 18, 19/2 lực lượng Hoa Kỳ không làm chủ được khu vực này ngoại trừ phía đường Hải Thượng Lãn Ông tiến được đôi chút…
Hồi tưởng lại một thời khói lửa tơi bời ấy, những người cán bộ lãnh đạo TX Phan Thiết năm xưa bồi hồi nhớ lại: Năm Mậu Thân dân số Phan Thiết chỉ có khoảng 70 ngàn người, bà con mừng rỡ lắm khi khi bộ đội vào. Bà con bưng bánh chưng, bánh tét, trái cây ra cho bộ đội ăn, nhiều người còn đem cả cà phê sữa, thuốc lá, rượu Napoleon ra mời bộ đội ăn tết. Quà tết trong nhà có gì, bà con Phan Thiết đem hết ra cho bộ đội. Nhờ bà con tiếp tế mà bộ đội đủ lương thực bám trụ chiến đấu nhiều ngày ròng. Do bộ đội tập trung chiến đấu, nên bà con tự nguyện lập nhiều điểm nấu cơm tiếp tế cho bộ đội, kho thịt, kho cá, kho măng, làm gà làm vịt, bà con ở Xuân Phong còn làm cả bò cho bộ đội ăn lấy sức đánh giặc.
Trong những ngày bộ đội ta đang đánh địch trong thị xã, nhân dân trong toàn tỉnh cũng làm hết sức mình để giúp đỡ bộ đội, kêu gọi binh lính địch trở về với gia đình vợ con, đặc biệt nhân dân Hàm Thuận đã dồn hết sức người, sức của phục vụ chiến đấu. Bà con tự động ghép lại thành từng đoàn, từng toán khiêng thương, tải đạn tiếp tế cho bộ đội. Tại khu vực xóm Chồi - Hàm Liêm trạm trung chuyển đông nghẹt người, bộ đội, thương binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân, tất cả đều hối hả với công việc của mình. Người dân vùng Tam Giác thương yêu gắn bó sống chết với bộ đội, đem hết sức mình phục vụ bộ đội đánh giặc. Người dân khu vực Bình Hưng, xóm Khoai hăng hái đem hết tất cả gỗ ván, bàn ghế trong nhà ra cho bộ đội làm công sự chiến đấu.
Trong những ngày đạn bom ác liệt ấy, nhân dân Phan Thiết đã cất giấu các thương binh ngay trong nhà mình, chờ khi yên mới đưa ra. Người dân chôn cất các đồng chí hy sinh ngay dưới các chiến hào bộ đội đào, rồi lập am thờ, sau này chỉ chỗ cho ta bốc mộ lấy hài cốt các liệt sĩ. Bà con còn trinh sát nắm tình hình địch để báo cho bộ đội tác chiến. Trong những ngày khói lửa ấy, người dân Phan Thiết một số tản cư ra vùng ven ngoại thành, phần lớn ở lại được bộ đội hướng dẫn đào hào tránh bom ngay trong nhà, vì ở đâu cũng lửa đạn ngút trời.
Ôn lại những ngày tết Mậu Thân đạn bom, khói lửa tơi bời, để thêm quý, thêm yêu những ngày xuân Quý Mão bình yên và rộn giã mà chúng ta đang có.
(Trong bài có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Bình Thuận (1945-2000))