Hàm Thuận Nam: Siết chặt công tác quản lý nhà nước về đất đai

Pháp luật - Ngày đăng : 05:46, 31/01/2023

“Rà soát, củng cố hồ sơ, xem xét xử lý triệt để các hành vi vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất công, đất dự án, đất lâm nghiệp, các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất trái với quy định của pháp luật”. Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Thuận Nam chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện trong thời gian đến.

Thời gian qua, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã quan tâm chỉ đạo công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai; triển khai kịp thời, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, của Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy về quản lý đất đai, bảo vệ rừng và chồng, lấn chiếm đất đai. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, sử dụng đất trên địa bàn và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Mặt khác quan tâm chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lập phương án quản lý, sử dụng đối với diện tích đất công, đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, đất lâm nghiệp... Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm đất công, đất giao cho các dự án, đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra, diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm lấn chiếm đất ngày càng tăng với diện tích lấn chiếm lớn; việc xử lý vi phạm hành chính chưa kịp thời; các quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính chưa thực hiện đầy đủ; nhiều trường hợp lấn chiếm chưa bị xử lý.

h2-15916022818441145764913.jpg

Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là trên địa phận Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, địa bàn các xã Tân Lập (260 ha), Hàm Thạnh (128,9 ha), Hàm Minh (25 ha), Mương Mán (8 ha), Hàm Cần (5 ha), Hàm Cường (5 ha). Số vụ vi phạm trên lĩnh vực đất lâm nghiệp hiện chưa xác định được đối tượng vi phạm còn chiếm tỷ lệ cao (đến nay, ghi nhận có 75 trường hợp và một số hộ dân tại xã: Mương Mán, Tân Lập sử dụng đất với tổng diện tích 437,84 ha có dấu hiệu vi phạm hành chính với hành vi lấn chiếm đất).

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa phát huy hết tinh thần, trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai; chưa chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân chấp hành pháp luật về đất đai; tình trạng lấn chiếm đất do xã quản lý xảy ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với chủ rừng và các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng có lúc, có nơi chưa tốt, còn chủ quan; công tác tuần tra, kiểm tra chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; công tác tham mưu xử lý các trường hợp vi phạm chưa kịp thời, thiếu kiên quyết, không đủ tính răn đe.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, nhất là đối với diện tích đất công, đất giao cho các dự án, đất lâm nghiệp, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện thực hiện các nhiệm vụ như: Rà soát, củng cố hồ sơ, xem xét xử lý triệt để các hành vi vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất công, đất dự án, đất lâm nghiệp, các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất trái với quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất của các dự án trên địa bàn huyện hiện nay chậm triển khai, không hiệu quả, quản lý yếu để bị lấn, chiếm để giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, nhất là tình hình quản lý, sử dụng đất công ích (đất 5%) trên địa bàn huyện. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng chủ động phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại gốc, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Đồng thời, xử lý dứt điểm các trường hợp lấn, chiếm đất lâm nghiệp trên lâm phận quản lý; tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng đến từng địa bàn dân cư, nhất là các hộ dân ký cam kết tham gia bảo vệ rừng; không phá rừng, cơi nới, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đào, bứng cây cảnh, cây cổ thụ trong rừng.

Ngọc Diệp