Vòng xoáy bạo lực Israel-Palestine thách thức chính sách của Mỹ tại Trung Đông
Quốc tế - Ngày đăng : 09:10, 31/01/2023
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết chuyến thăm Israel của ông Blinken bắt đầu từ 30/1. Tuy nhiên sự kiện này đang bị phủ bóng bởi tình hình an ninh xấu đi tại Bờ Tây và Israel. Các quan chức Mỹ cho biết chủ đề chính trong trao đổi giữa Ngoại trưởng Blinken cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas sẽ là “giảm căng thẳng”. Sau chuyến thăm của ông Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Willian Burns cũng có lịch trình đến Israel.
Hàng loạt diễn biến bạo lực đã khiến tháng 1 này trở thành một trong những tháng đẫm máu nhất tại Bờ Tây và Jerusalem trong vài năm trở lại đây. Chiến đấu cơ của Israel đã tấn công Dải Gaza vào hôm 27/1 để trả đũa việc các tay súng Palestine phóng 2 quả tên lửa. Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết các cuộc không kích ngày 27/1 nhắm vào một địa điểm sản xuất tên lửa dưới lòng đất và một căn cứ quân sự do lực lượng Hamas sử dụng. Trước đó, lực lượng Israel đã đột kích trại tị nạn Jenin ở Bờ Tây hôm 26/1 khiến 9 người Palestine thiệt mạng trong đó có các tay súng và ít nhất hai người dân thường.
Ông Netanyahu trở lại nắm quyền từ tháng 12/2022 và chính quyền mới thành lập có chủ trương phản đối giải pháp 2 nhà nước. Một điều đáng chú ý khác là cam kết của ông Netanyahu “tăng cường” cho khu định cư của Israel tại Bờ Tây. Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich, nhân vật chịu trách nhiệm về chính sách các khu định cư, tuyên bố sẽ xem xét xây dựng tại khu vực chiến lược tại Bờ Tây có tên E1. Trước đây, Mỹ từng nhiều lần ngăn chặn Israel phát triển tại khu vực này.
Trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Thủ tướng Israel Netanyahu vào ngày 29/1 cho biết phản ứng của nước này không nhằm gia tăng căng thẳng. Ông Netanyahu phát biểu trong cuộc họp nội các: “Chúng ta không muốn leo thang căng thẳng nhưng chúng ta chuẩn bị cho mọi kịch bản. Câu trả lời cuẩ chúng ta đối với khủng bố là mạnh tay là phản ứng nhanh chóng, chính xác, chắc chắn".
Phía Palestine và một số nhóm nhân quyền tin rằng phản ứng của Israel, trong đó phá nhà cửa của gia đình những kẻ tấn công là vi phạm luật quốc tế. Vấn đề này đã tăng thêm nội dung vào chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Blinken vốn đã bao gồm xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng với Iran, khủng khoảng tại Liban và Syria, tất cả những vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ Washington-Tel Aviv.
Người Palestine trong cuộc đụng độ với các lực lượng Israel tại Jenin, Bờ Tây ngày 26/1. Ảnh: THX/TTXVN
Giảm căng thẳng trong những vấn đề này hoặc ít nhất là ngăn chặn những vấn đề mới, là trọng tâm nhiệm vụ của Ngoại trưởng Blinken mặc dù ông Netanyahu phản đối hai trong số những ưu tiên chính tại Trung Đông của Tổng thống Biden: khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và khởi động đàm phán hòa bình Israel-Palestine. Cả hai nội dung này đều đang đóng băng và có ít hy vọng cho khởi động lại các đàm phán, chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng duy trì sự tồn tại của những ý tưởng này.
Cùng thời điểm, chính quyền Tổng thống Biden tìm cách cải thiện quan hệ với Palestine. Ngoại trưởng Blinken dự kiến đến Ramallah để gặp lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, khi Ngoại trưởng Blinken gặp gỡ lãnh đạo 2 bên, ông sẽ kêu gọi “các bước đi để giảm leo thang căng thẳng”.
Một nhà đàm phán kỳ cựu của Mỹ, ông Aaron David Miller nhận định với Al Jazeera: “Điều tốt nhất họ có thể làm là giữ mọi thứ ổn định để tránh một tháng 5/2021 khác”. Ông Aaron David Miller đề cập đến 11 ngày xung đột giữa Israel và phong trào Hamas kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn
Trong khi đó, ông Ghaith al-Omari tại Viện Washington (Mỹ) nhận định rằng Ngoại trưởng Blinken sẽ lặp lại quan điểm truyền thống của Mỹ thay vì tạo đột phá. Ông phân tích: “Chính chuyến đi là thông điệp. Ngoại trưởng Blinken sẽ đề nghị ông Abbas thực hiện nhiều hơn, tuy nhiên không rõ họ có thể làm điều gì”