Nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục lịch sử của Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 05:28, 01/02/2023

Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng có ý nghĩa đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng. Việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng không chỉ góp phần tổng kết kinh nghiệm lịch sử, cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, mà còn nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử của Đảng; đến nay, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

561da53e-7c89-498e-a92d-2bb95ece076f.jpeg
Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ tại Sa Lôn, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Đ.Quốc

Nổi rõ nhất là toàn tỉnh đã phát hành được 57 tập sách lịch sử; trong đó, cấp tỉnh xuất bản 2 tập sách “Hoạt động đấu tranh của chiến sĩ cách mạng tỉnh Bình Thuận trong nhà tù, trại giam ở miền Nam (1954 - 1975)”, “Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập I (1930 - 1954)”. Hiện nay, tỉnh đang triển khai công trình “Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập II (1954 - 1975); dự kiến xuất bản vào dịp chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XV (2025 - 2030).

Về phía các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã xuất bản 9 tập sách của các cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh; Quân sự tỉnh. Ngoài ra, 7/10 huyện, thị, thành ủy xây dựng kế hoạch tái bản, bổ sung lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống; TP. Phan Thiết, các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam đang thu thập tài liệu. Riêng đối với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang của các huyện, thị, thành phố đã xuất bản 13 tập lịch sử và kỷ yếu. Các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã phát hành 33 tập lịch sử. Mặt khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn chỉ đạo các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng với nhiều hình thức khác nhau tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn tài liệu, bài viết về các sự kiện lịch sử, được trích từ các tập lịch sử đã được biên soạn để cung cấp cho các chi, Đảng bộ cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội để tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và học sinh…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn xuất bản và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của ngành, đoàn thể và địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao trách nhiệm Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong đó cấp tỉnh biên soạn, xuất bản Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập 2 (1954 - 1975) nhân dịp chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XV (2025-2030). Khánh thành đưa vào hoạt động Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ tại Sa Lôn, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc để phục vụ công tác giáo dục lịch sử truyền thống tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống; các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu tỉnh Bình Thuận trên các loại hình truyền thông, hoặc qua việc tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống; chủ động tích cực phòng ngừa, đấu tranh phê phán, phản bác các thông tin sai lệch, các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử Đảng…

T.Hà