Nỗ lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:30, 01/02/2023

Thực hiện Nghị quyết số 10 - ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hiện Bình Thuận đã triển khai hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm liên quan vấn đề này.

Theo đó, địa phương tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức lẫn hành động của các cấp ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chuyển đổi số thông qua nhiều hình thức. Trong năm 2022, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận, trong khi Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng, đưa vào hoạt động Trang thông tin điện tử về chuyển đổi số của tỉnh (https://chuyendoiso.binhthuan....)...

img-1451.jpg
Viettel Bình Thuận đã triển khai lắp đặt một số vị trí trạm 5G và phát sóng thử nghiệm (Ảnh minh họa).

Đối với hạ tầng số, Bình Thuận tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng di động 3G, 4G và cố định, đến nay đã phủ đến 100% xã - phường - thị trấn với tốc độ truy nhập trung bình 80Mb/s, đạt xấp xỉ tốc độ trung bình của cả nước (tốc độ trung bình cả nước là 78,43Mb/s). Đối với trạm BTS, năm vừa qua tiếp tục phát triển thêm 105 vị trí và nâng tổng số hiện có lên 1.660 vị trí với vùng phủ sóng di động 2G, 3G, 4G đạt khoảng 98% dân số trên toàn tỉnh (trong đó Viettel Bình Thuận triển khai lắp đặt 5 vị trí trạm 5G phát sóng thử nghiệm vào giữa năm ngoái).

Về dữ liệu số, thời gian qua địa phương luôn chú trọng phát triển dữ liệu dùng chung, chuyên ngành gắn với kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như phát triển dữ liệu công dân số. Đến quý IV/2022 đã khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân tỉnh Bình Thuận đạt tỷ lệ khoảng 92% tổng dân số, cấp căn cước công dân lần đầu cho nhân khẩu thường trú đạt hơn 95%. Còn tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 85%...

Đặc biệt với nền tảng số, ở lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức đưa vào hoạt động Cổng Thông tin du lịch thông minh Bình Thuận, trải nghiệm không gian du lịch thực tế ảo, sử dụng mã QR tại các điểm tham quan du lịch để du khách tra cứu thông tin về điểm du lịch. Bên cạnh đó ngành còn triển khai Sàn Thương mại du lịch, tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến và xúc tiến xây dựng số hóa Bảo tàng 3D… Trên lĩnh vực Công Thương đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận”. Cùng tham gia, lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực xây dựng phần mềm số hóa quy trình triển khai “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh”, “Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh vào công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh”…

Nỗ lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, thời gian qua Bình Thuận cũng triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ liên quan chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Nổi bật là UBND thành phố Phan Thiết đã triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh đưa vào vận hành vào cuối 2022, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 2 sàn thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp (sàn thương mại điện tử postmart.vn của Vnpost và voso.vn của Viettel). Qua đó triển khai tập huấn cho gần 65.000 hộ sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã về xây dựng quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận và tập huấn việc thiết lập, sử dụng tài khoản thanh toán điện tử cho hơn 59.800 hộ… Về triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng, đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành 100% thôn - khu phố và một số tổ tự quản cũng có Tổ Công nghệ số cộng đồng với gần 2.450 thành viên tham gia.

Là lĩnh vực mới, do vậy trong năm 2023 toàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Với Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh sẽ tập trung rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực tham gia chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số. Đồng thời phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, chú trọng đào tạo nhân lực số… nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay. Mặt khác sẽ khẩn trương xây dựng, đưa vào sử dụng đối với các dự án về phát triển cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và tập trung phát triển thương mại điện tử. Tiếp tục triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận (IOC Bình Thuận), thí điểm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thị xã La Gi (IOC La Gi). Cùng với đó còn tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh cũng như kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý sự cố về an toàn thông tin mạng…

QUỐC TÍN