Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước
Xã hội - Ngày đăng : 05:47, 02/02/2023
Nhằm triển khai chính quyền điện tử, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và ban hành kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bảo đảm tích hợp dữ liệu, liên thông quy trình giữa các cơ quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng phù hợp với định hướng của quốc gia về Chính phủ điện tử. Cùng với việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đặc biệt là thông tin cá nhân và quyền riêng tư khi tham gia giao dịch trên môi trường điện tử nói chung, môi trường Internet nói riêng là một trong những yếu tố tiên quyết cho thành công của Chính phủ điện tử.
Với tầm quan trọng của việc đảm bảo ATTT mạng, mới đây UBND tỉnh đã yêu cầu các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị phải được đánh giá hiện trạng và khả năng bảo đảm ATTT mạng, dự báo các nguy cơ, sự cố, tấn công mạng có thể xảy ra để đưa ra phương án ứng phó, ứng cứu sự cố kịp thời, phù hợp. Công tác ứng phó sự cố ATTT mạng phải tuân thủ theo quy chế, quy định pháp luật, tổ chức ứng phó kịp thời, nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả. Hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải chuyển từ bị động sang chủ động. Thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đảm bảo ATTT giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của cơ quan điều phối quốc gia về ứng cứu sự cố (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông).
Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc UBND tỉnh và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan (các cơ quan, đơn vị) phải tuân thủ các quy định pháp luật về điều phối, ứng cứu sự cố ATTT mạng. Chủ động, kịp thời, nhanh chóng, chính xác, đồng bộ và hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ, chính xác, đồng bộ và hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Ứng cứu sự cố trước hết phải được thực hiện, xử lý bằng lực lượng tại chỗ và trách nhiệm chính của chủ quản hệ thống thông tin. Tuân thủ các điều kiện, nguyên tắc ưu tiên về duy trì hoạt động của hệ thống thông tin đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch ứng phó sự cố. Thông tin trao đổi trong mạng lưới phải được kiểm tra, xác thực đối tượng trước khi thực hiện các bước tác nghiệp tiếp theo.
Bên cạnh đó cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác an toàn, an ninh mạng, chủ động rà soát, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo thực hiện hiệu quả. UBND tỉnh còn giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ về an toàn thông tin mạng. Tham mưu đẩy mạnh hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng. Gắn kết công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng với công tác triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời chủ động rà soát, phát hiện và xử lý, hoặc đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên môi trường mạng thuộc lĩnh vực an toàn thông tin mạng...