Má và những mùa tết

Đời sống - Ngày đăng : 05:48, 03/02/2023

Má đã bước qua cái tuổi ngóng trông tết bao nhiêu năm rồi tôi không rõ. Người ta hay biểu người già ngóng tết. Thiệt, khi những đứa con yên bề gia thất cũng là lúc má bắt đầu ngóng tết.

Bởi lẽ căn nhà hồi xưa không đủ chỗ ngủ cho bầy con giờ sao rộng thênh thang, yên ắng quá đỗi. Hai ông bà già lủi thủi ra vô. Ba còn mỗi sáng đạp xe đạp đi rong uống trà với mấy ông bạn già trong Hội Cựu chiến binh chớ má suốt ngày chỉ quanh quẩn với luống rau, đàn gà thì không buồn mới lạ.

c271a19.jpg

Hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần mấy chị em giành lộn gây khóc rần rần má hay rầy: Trông cho tụi bây mau lớn đi lấy chồng hết cho rồi, một đám vịt trời mà rần rộ chịu không nổi. Tới hồi mấy chị em đi lấy chồng hết má lại buồn vì thương nhớ. 5 đứa con gái, năm phương trời xa, có muốn tụ họp gia đình sum vầy cũng chỉ mỗi năm một lần khi tết về. Bởi vậy má mong tết là mong con cháu về chơi chứ không phải mong quần áo mới chúng mua, mong đồ ăn ngon chúng đem về.

Từ hồi tết còn cách cả tháng mới tới, má đã gọi điện hỏi từng đứa chừng nào về vậy bây? Rồi lại hỏi chớ muốn ăn gì má để dành cho. Vậy là sau khi nghe hết một lượt ước muốn ăn uống của đám con cháu, má bắt tay vào đi chợ sắm sửa để dành. Nào thúc cho bầy gà trọng trọng để tụi nhỏ về có ăn. Nào là gieo mớ xà lách, rau mùi, rau quế để tụi nhỏ có rau sạch ăn sống. Nào gọi đặt chả giò, đặt cốm hộc, củ kiệu… nhà làm để tụi nhỏ có cái ăn. Mấy chị em biểu thôi má ơi đừng có đặt đồ nhiều, tụi con về chơi chứ có phải về ăn đâu mà bày biện chi cho cực. Má gạt phắt đi: đâu được, tụi bây lớn không ăn nhưng mấy đứa nhỏ nó thích. Má nói vậy thì còn nói sao nữa, thôi thì kệ, để cho má bận rộn cho bớt buồn cũng được.

Sấp nhỏ về, đứa nào cũng giành ngủ với ngoại. Má phải trải ba tấm nệm, nối mùng giăng lại cho tụi nhỏ đủ chỗ nằm. Đêm nào má cũng thủ thỉ kể chuyện cho mấy đứa nhỏ, say sưa như thể để dành lâu giờ đợi tết về kể cho cháu nghe. Thấy mấy bà cháu tíu tít bên nhau vui vẻ, chị em chúng tôi bật cười, vừa mừng vừa thương má quá chừng. Già ham cháu. Hồi trẻ bận trăm công ngàn việc tối về mệt mỏi chỉ muốn nghỉ ngơi, nghe tiếng trẻ con khóc là thấy mệt. Giờ già lại muốn nghe tiếng đùa giỡn của con nít cho nó bớt buồn, bớt hiu quạnh.

Vậy mà rủ má ơi má qua nhà con ở vài tháng đi cho vui thì má gạt cái một: đâu được, bỏ ba bây một mình sao được, rồi còn đám rau, lũ gà thì ai chăm, ba bây đâu có rành đâu mà giao phó. Con cái chỉ biết lắc đầu: thiệt tình cái nết có chết cũng hông bỏ nổi, ham làm chi cho cực thân, già rồi, nghỉ ngơi cho thư thả, đi tụ họp bạn bè đi cho vui thì không chịu. Bây nói hay quá, tụ họp thì vài tiếng hay vài ngày, ai đâu ngày nào cũng tụ họp, kiểu đó đàn bà hư mới vậy. Đám con lại chỉ biết lắc đầu lần hai, thôi thì kệ má thích làm gì làm chứ để “khai thông” tư tưởng cho má cũng trần ai quá chừng.

Thế là cứ mỗi độ tết về, má lại mừng vì được bày biện làm món này món nọ cho con cháu ăn. Mấy bữa tụ họp gia đình, má ăn liền hai chén cơm mỗi bữa, dù dạo trước còn than nấu cơm ra hai ông bà nhìn nhau rồi dọn đổ cho con Nô ăn. Vậy mới biết bữa cơm ngon miệng không phải là đồ ăn ngon hay dở, nhiều hay ít, mà là cái không khí nói cười tíu tít của mỗi thành viên trong gia đình.

Từ ngày ba mất, má càng mong tết hơn bao giờ hết. Một mình trong gian nhà hiu quạnh, đến muốn cãi lộn cũng không có ai để mà cãi. Má nuôi thêm hai con chó và hai con mèo chỉ để suốt ngày bận rộn tắm rửa, bắt bọ chét cho tụi nó. Biểu má ơi thôi đóng cửa nhà, tháng đi mỗi đứa ở xoay vòng đi cho bớt buồn. Má kiên quyết: nhà tao tao ở, không đi đâu hết, tụi bây đứa nào thương thì dọn về ở. Nghe má nói vậy đứa nào cũng lắc đầu chịu thua. Thôi thì có xót có thương cũng đành chịu chứ biết sao giờ.

Sau mấy ngày tụ họp vui vẻ, lũ con lại lần lượt kéo nhau về. Mỗi đứa mỗi mái nhà, cũng phải lo toan cúng kính, rồi thì thăm hỏi bên gia đình nội, đâu thể ở bên ngoại chơi hoài được. Má gói ghém đồ cho từng đứa mang về. Nào là bánh tét, bánh chưng, nào là củ kiệu muối, chút khoai môn mới dở ngoài vườn, bó rau cải, rau ngót cắt vườn sau… thôi thì lỉnh kỉnh đủ đồ đúng kiểu “về ngoại xin ăn”. Thấy má lăng xăng chuẩn bị chẳng đứa nào dám mở miệng biểu “thôi má ơi chi cho cực”, bởi đứa nào cũng hiểu rằng đó là niềm vui của má, đứa nào cũng rưng rưng vì những thức quà quê đó có bao nhiêu tiền cũng không mua được.

Mỗi lần tiễn một đứa con ra về là mắt má lại rưng rưng buồn, len lén giấu tiếng thở dài không dám để tụi nó biết. Sau khi tiễn đứa con cuối cùng, má thẫn thờ nhìn căn nhà trống vắng lòng buồn rười rượi, lại một quãng thời gian đằng đẵng ngóng chờ tết…

Phan Trúc