EU, G7 và Australia công bố mức giá trần đối với dầu của Nga

Quốc tế - Ngày đăng : 06:29, 05/02/2023

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga kể từ ngày 5/2.

Theo thỏa thuận đạt được, G7 và EU nhất trí sẽ áp mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu. Đây cũng là các mức giá đã được Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất trước đó.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen khẳng định, thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng và là một phần trong các nỗ lực tiếp theo của EU và các đối tác nhằm gây sức ép đối với Nga.

dau_mo_nga.jpg

Nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk ở vùng Samara của Nga. Ảnh: Getty

“Nga đang phải trả giá đắt khi các biện pháp trừng phạt của chúng tôi đang làm xói mòn nền kinh tế của nước này. Giá trần đối với dầu thô đã khiến Nga phải trả khoảng 160 triệu euro mỗi ngày và chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng áp lực”, bà Leyen nói.

Trước đó hồi tháng 12 vừa qua, EU và G7 cũng đã áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển. Thông qua biện pháp, các nước phương Tây muốn siết chặt nguồn thu tài chính của Nga.

Nga cho biết sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tuân theo mức giá trần mà Liên minh Châu Âu, Nhóm G7 và Australia áp đặt đối với dầu của nước này. Dầu thô hỗn hợp Urals của Nga URL-E đã được giao dịch ở mức chiết khấu cao so với dầu thô Brent chuẩn LCOc1 kể từ khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào tháng 12/2022. Các sản phẩm tinh chế như dầu diesel và dầu nhiên liệu được bán với giá cao hơn so với dầu thô.

Trong phản ứng mới nhất trước bước đi của phương Tây, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov nhấn mạnh: “Thái độ của chúng tôi đối với bước đi là tiêu cực và Nga đã nhiều lần thể hiện quan điểm này. Đương nhiên, hành động của phương Tây sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hơn nữa trong thị trường năng lượng toàn cầu. Nhưng chúng tôi, một cách tự nhiên, đang thực hiện các bước để bảo vệ lợi ích của mình khỏi bất kỳ rủi ro nào có thể phát sinh”.

Dầu diesel là chìa khóa cho nền kinh tế vì nó được sử dụng để cung cấp năng lượng cho ô tô, xe tải chở hàng, thiết bị nông nghiệp và máy móc nhà máy. Giá đã tăng đột biến kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra do nhu cầu tăng trở lại và công suất lọc dầu hạn chế ở một số nơi. Các nhà phân tích cho rằng nếu giá trần hoạt động đúng như kế hoạch, giá nhiên liệu sẽ không tăng vọt. Châu Âu có thể nhận được nguồn cung cấp dầu diesel thay thế từ Mỹ, Ấn Độ và Trung Đông, trong khi Nga có thể tìm kiếm khách hàng mới bên ngoài châu Âu.

Tuy nhiên, tác động của giới hạn sẽ không thể đoán trước được khi các chủ hàng định tuyến lại các luồng nhiên liệu đến các điểm đến mới và các chuyến đi biển dài hơn có thể làm giảm sức chứa của tàu chở dầu. Trong khi đó, một năm đánh giá lại về nguồn cung cấp năng lượng đã không làm cho châu Âu sạch hơn trên toàn khối. Cuộc khủng hoảng đồng nghĩa với việc các kế hoạch loại bỏ dần than đá ở nhiều quốc gia bị chậm lại.

H Lan (Tổng hợp)