“Cánh tay nối dài” chuyển vốn Nhà nước giúp người nghèo

Kinh tế - Ngày đăng : 05:24, 06/02/2023

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh phát huy tốt phương thức quản lý vốn riêng có, cùng với sự vào cuộc của các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn và hệ thống điểm giao dịch xã, năm 2022 đã có trên 38,4 ngàn lượt hộ nghèo trong tỉnh tiếp cận vốn vươn lên…

Đồng vốn nhỏ khơi dậy ý chí vươn lên

Anh Nguyễn Ngọc Vương ở thôn 3, xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) gia đình thuộc diện hộ nghèo ở xã khi có đến 7 đứa con, các con lại đang trong độ tuổi ăn học. Hai vợ chồng trẻ dù siêng năng làm lụng nhưng do đông con, nhiều khoản chi tiêu cuộc sống, các con học hành nên cứ thiếu trước hụt sau. Đang loay hoay tìm nguồn vốn đầu tư vào mảnh vườn cải thiện thu nhập gia đình, rất may anh được Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) Hội Phụ nữ xã hướng dẫn vay vốn hộ nghèo tại NHCSXH huyện Hàm Thuận Nam. “Nguồn vốn vay lúc ấy như “chiếc phao cứu sinh” giúp gia đình tôi đầu tư sản xuất, cải thiện thu nhập nuôi con. Số vốn vay được vợ chồng tôi gắng sức lao động đầu tư trồng thanh long, đến nay đã có mảnh vườn vài trăm trụ thanh long và đàn trâu chăn thả tăng gia sản xuất. Hiện tôi còn dư nợ chương trình cho vay hộ cận nghèo 60 triệu đồng đầu tư sản xuất và phấn đấu trả nợ đúng hạn cho ngân hàng”, anh Vương xúc động chia sẻ.

Còn với trường hợp của Lựu Trọng Sư – bộ đội xuất ngũ đồng bào Chăm ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc (Tuy Phong) nhờ đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH thông qua Đoàn thanh niên xã đã giúp em thực hiện ước muốn tự lập của bản thân. Được chi đoàn trong thôn giúp đỡ, gia đình ủng hộ, năm 2017 em vay số tiền 30 triệu đồng để chăn nuôi dê. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, từ kênh Trung ương Đoàn thông qua NHCSXH em tiếp tục vay thêm 150 triệu đồng đầu tư chuồng trại, tăng đàn. Đến nay trang trại nhỏ nuôi dê của Sư ngoài tạo thu nhập khá còn tạo việc làm cho 3 lao động đồng bào Chăm cùng thôn. Sư chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bản thân cho người dân ở xã cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.

Cán bộ tín dụng kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay của người dân ở Hàm Thuận Nam.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH chuyển tải cộng với sự chịu khó, hàng ngàn hộ nghèo trong tỉnh mạnh dạn đầu tư sản xuất hiệu quả, tự lực vươn lên ổn định cuộc sống. Bà Võ Thị Minh Thảo – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh cho biết: Đến cuối tháng 12, tổng dư nợ thực hiện 22 chương trình tín dụng chính sách đạt 3.912 tỷ đồng với 107,3 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính đang còn dư nợ, tăng 625,8 tỷ đồng, tăng 19,04% so đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 3.902 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Trong năm, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp cho 38,4 ngàn lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền 1.459 tỷ đồng, tăng 55,3% so với năm 2021. Việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Tiếp tục phát huy hiệu quả đồng vốn

Có thể khẳng định, với phương thức đặc thù, riêng có trong quản lý và ủy thác nguồn vốn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã đáp ứng kịp thời được nguyện vọng của nhân dân, tạo việc làm, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của NHCSXH, bên cạnh kết quả đạt được hiện vẫn còn một số khó khăn. Đó là, dù nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong năm 2022 được giao cao hơn so năm trước (246 tỷ đồng) nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tại địa phương. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tỉnh ta có 14 xã không còn thuộc vùng khó khăn, hiện nay chỉ còn 6 xã thuộc vùng khó khăn được thụ hưởng chính sách cho vay hộ sản xuất kinh doanh. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn về nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn…

Giải ngân vốn vay cho người dân tại xã Phan Lâm.

Để triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2023, ngay từ đầu năm NHCSXH tỉnh tập trung hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và kịp thời hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay theo quy định đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng...

T.Duyên