Ấn tượng với di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:03, 07/02/2023

Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa nghề làm gốm của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2017, nghệ thuật làm gốm truyền thống ở làng Bàu Trúc được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 29/11/2022 “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
h-3.jpg

Từ làng nghề thủ công đến di sản nghệ thuật của nhân loại

Người Chăm sinh sống tập trung thành từng làng. Những thành viên trong cùng một làng thường có đặc điểm chung về tập quán, tín ngưỡng và hoạt động sản xuất kinh tế. Làng tiếng Chăm gọi là Palei, đây là đơn vị cư trú được sử dụng phổ biến ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp lúa nước và chăn nuôi, người Chăm còn bảo tồn được nhiều nghề thủ công như nghề dệt vải thổ cẩm và nghề làm gốm. Hiện nay, tại Bình Thuận chỉ có người Chăm ở thôn Bình Đức (Palei Ragaok), xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình còn làm gốm. Tại Ninh Thuận, có 35 thôn/khu phố người Chăm, nhưng chỉ duy nhất có thôn Vĩnh Thuận/Bàu Trúc (Hamu Craok), thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước còn duy trì nghề làm gốm do tổ tiên để lại.

h-4.jpg

Ấn tượng từ kỹ thuật làm gốm của người Chăm, các địa phương Ninh Thuận và Bình Thuận xúc tiến quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Tính chất khác biệt làm nên thương hiệu gốm Chăm ngày càng được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến. Các sản phẩm gốm Chăm không chỉ phục vụ trong đời sống hàng ngày mà còn hướng đến nhiều giá trị về kiến trúc và trang trí nội thất. Nhận thấy giá trị văn hóa và kinh tế của nghề làm gốm Chăm, Ninh Thuận đã xây dựng hồ sơ gốm Chăm để Thủ tướng Chính phủ trình lên Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) xét duyệt.

Trong phiên họp ngày 29/11/2022 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đây là vinh dự lớn của Việt Nam nói chung và cộng đồng người Chăm nói riêng khi một làng nghề thủ công truyền thống được một tổ chức quốc tế, uy tín ghi nhận. Điều này, mở ra nhiều hướng phát triển mới cho những hộ gia đình đang sinh kế từ nghề làm gốm thủ công. Đồng thời đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm làm thế nào để bảo tồn làng nghề trước sự phát triển của đô thị hóa đang tác động trực tiếp đến các vùng nông thôn như hiện nay có thể làm phá vỡ cấu trúc của làng nghề truyền thống.

Đôi bàn tay của các bà mẹ Chăm tạo nên giá trị nghệ thuật

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có quyền đi hỏi cưới chồng, đảm nhận vai trò chăm lo cuộc sống kinh tế gia đình và giáo dục con cái. Nét độc đáo của nghề làm gốm người Chăm gắn liền với vai trò chủ đạo của người phụ nữ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đôi bàn tay của người phụ nữ đi lấy đất sét (Halan), sàng lọc cát mịn, nhàu nặn đất sét, cát và nước với tỷ lệ thích hợp bằng kinh nghiệm của đôi bàn tay. Khi đất sét đã được xử lý xong, để chuẩn bị đến công đoạn tạo hình cho sản phẩm, chính đôi tay dính đầy bùn cầm từng lọn đất sét nắn nót tạo hình khối. Quá trình làm ra sản phẩm gốm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, người phụ nữ di chuyển đều xung quanh sản phẩm. Chỉ cần một miếng vải ướt, đôi bàn tay vuốt nhẹ làm láng khi đất sét còn ướt mềm. Bằng ngón tay cái, họ chạm nhẹ lên miệng sản phẩm để tạo thành miệng loe và chỉ cần một miếng vải ướt mềm với động tác vuốt nhẹ tạo thành miệng tròn cho sản phẩm.

Trang trí cho sản phẩm, người thợ làm gốm sử dụng những công cụ rất đơn giản, gần gũi trong đời sống hàng ngày như vỏ sò, chiếc lược để tạo thành hoa văn hình sóng nước. Hoặc sử dụng một số bông hoa dại chạm trổ trực tiếp in lên sản phẩm. Có thể nói rằng, người Chăm trang trí hoa văn gốm bằng các công cụ có sẵn trong gia đình mà tưởng chừng như nó vô dụng. Qua bàn tay của người thợ, các công cụ đó lại mang đến những họa tiết, đường nét, hoa văn thể hiện tính thẩm mỹ và mang tính sáng tạo nghệ thuật.

Sản phẩm mới hoàn thành còn ẩm ướt, người thợ bưng vào chỗ bóng mát để phơi khô. Sau đó, dùng vòng quơ để cạo, chà láng xóa đi những vết lồi, lõm của sản phẩm từ bên trong lẫn bên ngoài. Bàn tay người thợ không lúc nào không dính bùn đất. Việc tu chỉnh sản phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng bằng cách quan sát mắt thường và qua đôi bàn tay cảm nhận hài lòng mới dừng lại công việc tu chỉnh gốm để tiếp tục mang các sản phẩm đi nung lửa. Quá trình sắp xếp sản phẩm gốm để nung lửa ở ngoài trời bằng củi, vỏ cây khô, vỏ trấu và rơm đòi hỏi sự tỉ mỉ, sắp đặt có trật tự theo từng lớp, như thế gốm ra lò chín đều, không bị nứt, bị bẻ cũng cần tới bàn tay cần mẫn của người phụ nữ. Gặp thời tiết không thuận lợi, người phụ nữ nhiều kinh nghiệm mới điều chỉnh được hướng gió thích hợp để sản phẩm gốm ra lò đạt chất lượng cao.

Gốm Chăm và những tiếp nối lịch sử phát triển

Các sản phẩm gốm gắn liền với đời sống tinh thần của người Chăm. Một đứa trẻ mới chào đời, được bà mụ (người đỡ đẻ) tắm trong chậu nước làm từ gốm. Tổ chức lễ mừng nhà mới (Tamâ sang birau) người Chăm dùng hai cái khương gạo (Khang brah) để tượng trưng và cầu mong cho cuộc sống gia đình ấm no và hạnh phúc. Đến lúc qua đời, họ dùng bình nước làm bằng gốm để đun nước tắm liệm cho thi hài. Trong một chu kỳ vòng đời, người Chăm đều sử dụng các sản phẩm làm bằng chất liệu gốm để thực hiện các lễ nghi, tập quán, tín ngưỡng.

Từ những dòng sản phẩm gốm phục vụ cho đời sống tín ngưỡng, văn hóa, gốm Chăm có bước phát triển các dòng sản phẩm mỹ nghệ phục vụ trong kiến trúc và xây dựng. Trở về quá khứ, các dòng gốm Chăm từng nổi tiếng trong lịch sử như Sa Huỳnh, Gò Sành (Bình Định) và các dòng gốm có ảnh hưởng kỹ thuật chế tác gốm của người Chăm như gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi) và gốm Quảng Đức (Phú Yên) đã tạo nên thương hiệu gốm trên thị trường Việt Nam và quốc tế.

Làng nghề gốm Bàu Trúc và Bình Đức đã có nhiều chuyển biến trong việc chế tác, sáng tạo ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng đa dạng phù hợp với thị hiếu thị trường. Với những đặc điểm ấn tượng đó, các sản phẩm gốm Chăm xuất cảng ra nước ngoài tiếp nối lịch sử phát triển của gốm Chăm từng có mặt trên các con thuyền buôn quốc tế. Hiện nay người Chăm không sử dụng kỹ thuật tráng men, không sử dụng bàn xoay trong quá trình chế tác gốm. Nhưng chính vẻ đẹp tự nhiên, thô sơ, mộc mạc của hình dạng các sản phẩm và tâm hồn của người nghệ nhân gửi gắm vào từng sản phẩm tạo nên giá trị nghệ thuật, nét khác biệt của gốm Chăm.

Bá Minh Truyền