Quy định mới lấy phiếu tín nhiệm: Tín nhiệm thấp trên 50% phải từ chức, 2/3 bị miễn nhiệm

Chính trị - Ngày đăng : 10:27, 07/02/2023

Theo Quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm vừa được Bộ Chính trị ban hành, cán bộ tín nhiệm thấp trên 50% sẽ phải từ chức; trên 2/3 sẽ bị miễn nhiệm.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Quy định này thay thế cho Quy định 262 ban hành năm 2014 cùng về nội dung này.

Dùng kết quả phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ, không còn để "tham khảo"

So với quy định cũ, Quy định 96 mới về lấy phiếu tín nhiệm có sự thay đổi trong quy định về sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm.

Cụ thể, thay vì quy định sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm để "tham khảo", Quy định 96 quy định kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì ngoài việc "đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn", Quy định 96 quy định rõ: xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Đối với trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Đây là những quy định mới và chặt chẽ hơn so với Quy định 262 năm 2014.

Theo quy định cũ, người có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp.

Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên chỉ "cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác".

quoc-hoi-4190-16756094696061185611369.jpg
Kết quả tín nhiệm đánh giá cán bộ không còn để "tham khảo"

Sự gương mẫu bản thân, vợ, chồng, con là tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm

Về phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, Quy định 96 tương tự Quy định 262 trước đó. Theo đó, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ T.Ư đến cấp có đơn vị trực thuộc

Quy định 96 quy định 2 "tiêu chí" lấy phiếu tín nhiệm, bao gồm: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu).

Quy định 262 năm 2014 quy định 2 "nội dung", gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; và năng lực thực tiễn.

Tuy vậy, về cơ bản, các nội dung quy định tại 2 quy định là tương tự nhau.

Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, Quy định 96 nhấn mạnh tiêu chí về lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống… Bên cạnh đó là ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình…

Một nội dung lấy phiếu tín nhiệm khác trong tiêu chí này còn có kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước.

Về tiêu chí "kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao", Quy định 96 nhấn mạnh yếu tố tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Các nội dung này đều đã được quy định tại Quy định 262 năm 2014.

Ngoài ra, tương tự như quy định trước đây, Quy định 96 quy định việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp).

Các mức tín nhiệm gồm 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Việc công khai kết quả phiếu tín nhiệm cũng được quy định rõ hơn. Theo đó, kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư thì công khai trong Ban Chấp hành T.Ư.

Đối với chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn thì được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các chức danh, chức vụ còn lại trong hệ thống chính trị thì công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

Thanhnien.vn