Đề nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan vụ phá rừng kéo dài ở Tà Cú
Pháp luật - Ngày đăng : 05:30, 08/02/2023
Báo cáo sai lệch lớn
Về vụ phá rừng trên lâm phận quản lý, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã có Báo cáo số 484 ngày 16/12/2022. Theo đó, vị trí bị phá là lô 15 thuộc tiểu khu 296C với diện tích 4.915 m2. Tổng số cây bị cắt hạ là 180 cây, trữ lượng 8,254 m3 gỗ, chủ yếu là cây tạp.
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Đoàn công tác do Chi cục Kiểm lâm chủ trì có sự phối hợp của các đơn vị liên quan khẳng định: Vị trí bị phá không chỉ có lô 15, mà lô 16, 19 thuộc tiểu khu 296C cũng bị phá. Diện tích đất có rừng bị phá khoảng 19.910 m2. Như vậy, diện tích bị phá chênh lệch cao hơn 14.995 m2 so với báo cáo của Khu bảo tồn, vị trí bị phá còn có thêm lô 16 và lô 19.
Trên diện tích bị phá, đoàn ghi nhận có hiện trạng cây rừng tự nhiên bị cắt hạ (cây có đường kính gốc khoảng 10 – 40 cm) còn nằm tại gốc, phần thân gỗ và cành ngọn chưa bị thu dọn; một số vẫn còn lá bám trên cành. Trên mặt cắt gốc có vết tích dấu cưa tay, cưa xăng cầm tay, dao rựa, một số gốc đã có tái sinh chồi cao từ 0,2 - 1 m. Vì vậy, thời điểm bị tác động được xác định khoảng từ tháng 5 - 7/2022. Ngoài ra, xen lẫn trong diện tích bị phá có một số cây rừng chưa bị cắt. Riêng đối với số lượng cây bị chặt hạ, đoàn phát hiện có nhiều cây bị hạ chưa được đo đếm thống kê. Về khối lượng cây gỗ bị thiệt hại, do nhiều cây gỗ bị chặt hạ trong khu vực chưa được khu bảo tồn, Kiểm lâm địa bàn đo đếm nên Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam đang tiếp tục thống kê.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, quy mô diện tích rừng bị chặt hạ trái pháp luật đã vượt khung xử phạt vi phạm hành chính. Nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, ngoài các yếu tố khách quan về nhân lực, điểm đóng quân của trạm cách xa khu vực bị tác động, giá đất tăng cao do nhu cầu sử dụng đất ven đường ĐT719B ngang qua bên ngoài khu rừng... Cùng với thủ đoạn và hình thức phá rừng tinh vi của các đối tượng, thì về chủ quan là do cá nhân Trưởng Trạm BVR Thuận Quý. Bởi mặc dù phát hiện vụ việc phá rừng nhưng chưa lập hồ sơ ban đầu đúng theo quy định và không có báo cáo cho lãnh đạo ban và kiểm lâm địa bàn biết để có chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý và phòng ngừa các đối tượng tiếp tục phá rừng. Mặt khác, qua đó cho thấy công tác kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo Khu bảo tồn đối với các trạm và lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu sâu sát, chưa hiệu quả.
Phải làm rõ trách nhiệm, bảo vệ rừng nghiêm ngặt
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, việc để xảy ra phá rừng với quy mô diện tích lớn, diễn ra trong thời gian dài, gây thiệt hại diện tích lớn về tài nguyên rừng tại tiểu khu 296C mà đơn vị chậm phát hiện thì trách nhiệm trước hết thuộc về tập thể lãnh đạo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Trong đó trách nhiệm trực tiếp thuộc về tập thể Trạm Bảo vệ rừng Thuận Quý và cá nhân Trưởng trạm này.
Do vụ việc chưa tìm được đối tượng vi phạm, ngoài việc kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện sớm thụ lý hồ sơ do Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam xác lập. Đồng thời phối hợp với UBND xã Thuận Quý và các xã lân cận sớm tìm ra đối tượng để xử lý nhằm răn đe.
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú phải cắt cử lực lượng thường trực để bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường khu vực bị chặt hạ để bảo vệ tang vật vi phạm và ngăn ngừa cháy rừng bảo vệ cây tái sinh phục hồi rừng. Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam cũng cần tổ chức kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm của Kiểm lâm địa bàn xã Thuận Quý trong việc tham mưu UBND xã tổ chức giám sát các hoạt động quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng, trong đó có việc chưa thực hiện tốt việc kiểm tra hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn theo quy định, để xảy ra vụ phá rừng kéo dài nhưng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.