Giải pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm do hóa chất

Đời sống - Ngày đăng : 05:34, 08/02/2023

Dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm tác hại đến sức khỏe của người sử dụng. Bình Thuận ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm do có hóa chất bảo vệ thực vật - chất cấm sử dụng ngay trong tuần đầu tiên của năm 2023.

Cấm sử dụng Carbofuran

Ngày 7/1/2023, Bình Thuận đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại thôn Văn Phong, xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam) với 33 người ăn, 29 người mắc và nhập viện, không có tử vong. Đến ngày 11/1/2023, tình trạng sức khỏe 29 ca ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận và Bệnh viện An Phước có sức khỏe ổn định và xuất viện. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam tiến hành điều tra và lấy các mẫu thức ăn nghi ngờ (bao gồm: cháo bồ câu, bồ câu viên, nấm) gửi Viện Pasteur Nha Trang để xác định các yếu tố gây ngộ độc thực phẩm.

an-toan-tp.jpg
Rửa kỹ thực phẩm bằng nước sạch trước khi chế biến thức ăn.

Theo Sở Y tế, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang cho biết mẫu nấm có chứa hóa chất bảo vệ thực vật Carbofuran với hàm lượng là 1,68mg/kg, cháo bồ câu chứa hàm lượng Carbofuran 0,38 mg/kg. Các vụ ngộ độc thực phẩm ở các năm trước là do độc tố tự nhiên. Trong nhiều năm, Bình Thuận không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm do có hóa chất bảo vệ thực vật, nhưng ngay đầu năm 2023 này thì mới ghi nhận ngộ độc thực phẩm do có tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.

Được biết, Carbofuran là một loại thuốc trừ sâu nhóm carbamate phổ biến rộng, với tên thương mại như Furadan, Curaterr, Yaltox... Thuốc này được sử dụng rắc, rải vào gốc cây. Cây hấp thụ thuốc trừ sâu qua rễ, vận chuyển đến thân và lá của cây để diệt các loại sâu bệnh, rệp bông, sâu cuốn lá, côn trùng khi tiếp xúc hoặc sau khi ăn, tuyến trùng trong đất và mặt đất cho nhiều loại cây trồng khác nhau. Đây là một trong những loại thuốc trừ sâu độc hại nhất. Trong khi đó, nội dung tại Quyết định 4154 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 16/10/2017 nêu rõ bổ sung hoạt chất Carbofuran vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, không được nhập khẩu chất này. Nghĩa là kể từ ngày 16/10/2017, không được sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng chất Carbofuran.

Tăng cường thanh kiểm tra

Qua câu chuyện ngộ độc thực phẩm với kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn có chứa hóa chất Carbofuran như được đề cập, cùng với đó là quy định cấm không được sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng chất cấm này trong nông nghiệp, vấn đề đặt ra liệu đâu đó tại thị trường Bình Thuận còn có sự mua bán, sử dụng chất cấm trong bảo vệ thực vật - Carbofuran? Đâu là giải pháp để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra do sử dụng thực phẩm tồn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật?

Trước hết, Sở Y tế tỉnh đã đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam quan tâm chỉ đạo Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam phối hợp các cơ quan, ban ngành tại địa phương tiến hành xử lý cơ sở cung cấp thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm theo quy định. Truy xuất nguồn gốc và xử lý mẫu thực phẩm nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật liên quan đến vụ ngộ độc nếu còn.

Mặt khác, Sở Y tế Bình Thuận đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương, kể cả Hàm Thuận Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm, giúp người dân nâng cao nhận thức về tác hại nguy hiểm của dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Đồng thời, chỉ đạo đôn đốc các đơn vị chuyên môn trong ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc mua bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo đó, đề nghị người dân không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam gồm Carbofuran và các hoạt chất bảo vệ thực vật bị cấm khác vào trong trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Trường hợp phát hiện người dân có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, cấp cứu kịp thời.

TRANG MINH