Tháng giêng đi lễ chùa

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:49, 08/02/2023

Trong tâm thức của người Việt, chùa là chốn tôn nghiêm, linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi. Chùa là nơi có giáo lý nhà Phật hướng định con người đến các giá trị đạo đức thiện lành. Việc lễ chùa đầu năm là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng hướng mọi người đến một khát vọng với năm mới an lành, tốt đẹp. Bởi thế tháng giêng luôn được coi là tháng hành hương.
chua-co-thach.1.jpg
Người dân đến chiêm bái tại chùa Cổ Thạch

Theo chân dòng người đến chùa Cổ Thạch (Tuy Phong) cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình, chúng tôi thấy ngoài biển số xe trong tỉnh, thì rất đông xe của du khách từ các tỉnh, thành lân cận tìm đến chiêm bái. Chị Quỳnh Như cùng với gia đình 6 thành viên từ Đồng Nai ra Bình Thuận từ 2 ngày nay, chia sẻ: “Tranh thủ tháng giêng công việc kinh doanh vẫn chưa bận rộn, anh em chúng tôi ra đây đi lễ chùa. Giống như những lời giới thiệu, khung cảnh ở đây thật nên thơ. Mỗi hang động, am cốc thờ Phật là những công trình kiến trúc thạch động lạ đẹp được con người tạo dáng, chỉnh sửa lại để làm nơi thờ tự trang nghiêm và huyền bí. Ở đây tính nguyên sơ của tự nhiên bao trùm lên tất cả các công trình kiến trúc, bằng bàn tay khéo léo tài hoa của mình, con người đã cải dáng, tôn tạo những hang động của tự nhiên thêm phần hoàn chỉnh. So với các chùa khác, quy mô kiến trúc của chùa Cổ Thạch không lớn nhưng đa dạng và muôn vẻ. Cái hay, cái đẹp của chùa Cổ Thạch là tọa lạc trong một quần thể hang động rộng lớn muôn hình muôn vẻ nối tiếp nhau chen chúc giữa đá và cây rừng nhấp nhô. Sự hòa hợp giữa nghệ thuật hoa viên, kiến trúc và điêu khắc hài hòa với cách bài trí thờ phụng ở bên trong càng làm tăng thêm nét thanh tịnh và trang nghiêm. Bởi vậy, đến chốn linh thiêng này, tôi thấy tâm mình thật bình an”.

thanh-minh-tu.jpg
Thanh Minh Tự

Với lịch sử hình thành hàng trăm năm, nhiều ngôi chùa, đình làng ở Bình Thuận vẫn còn lưu giữ những sắc phong được các vua triều Nguyễn ban tặng, là chỗ dựa trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ vùng đất, bờ cõi. Đây là điểm cộng góp phần quảng bá hình ảnh, nét đặc trưng văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế, góp phần phát triển lĩnh vực dịch vụ và du lịch.

Ghi nhận trên địa bàn tỉnh, các điểm tâm linh nổi tiếng khác như chùa Núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), chùa Ông, chùa Phật Quang, miếu Thanh Minh Tự (TP.Phan Thiết)... từ ngày mùng 1 tết đến nay có rất đông phật tử và người dân đến thắp hương, vãn cảnh. Trong không gian tĩnh lặng, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, được nghe thuyết giảng về giáo lý, về những câu chuyện văn hóa, tâm linh… như tiếp thêm năng lượng để mọi người yêu thương, vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Thành kính chắp tay dâng nén hương thơm tại chùa Núi Tà Cú, cầu mong gia đình được bình an, mọi công việc được thuận lợi. Bà Nguyễn Thị Thu cho biết: “Mỗi khi đến cửa chùa, tôi thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, mọi muộn phiền, lo âu của cuộc sống dường như được hóa giải”.

Nương vào cửa Phật, tìm sự thanh thản cho lòng mình để rồi tự nhắc nhở bản thân tu nhân tích đức, thực hành theo chính đạo. Vì thế, đa số du khách đến chùa đều có ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Một số nơi đông đúc du khách đến chiêm bái, ban quản lý chùa và chính quyền địa phương cũng tăng cường quản lý, túc trực đảm bảo an ninh trong khuôn viên chùa. Tình trạng chen lấn, dâng hương quá nhiều so quy định không còn xảy ra và người đến chiêm bái luôn thể hiện sự thành kính, tôn nghiêm.

Việc đi lễ chùa không chỉ giúp cho người Việt giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân – thiện – mỹ, làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội.

Thục Anh