Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Hơn 20 nước và tổ chức tham gia cứu hộ

Quốc tế - Ngày đăng : 14:55, 08/02/2023

Bên cạnh các cam kết hỗ trợ tài chính, Liên hợp quốc, EU, NATO cùng gần 20 quốc gia đã cam kết hoặc triển khai lực lượng tới tham gia công tác cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất độ lớn 7,8 xảy ra tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria đã tăng lên hơn 7.800 người vào cuối ngày 7/2, trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian trong điều kiện mùa Đông khắc nghiệt để cứu những nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát của những tòa nhà bị sập. Bên cạnh các cam kết hỗ trợ tài chính, đến nay, Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng gần 20 quốc gia đã cam kết hoặc triển khai lực lượng tới tham gia công tác cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

ttxvn_tho_nhi_ky.jpg

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường đổ nát sau trận động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2/2023. 

LHQ đã công bố khoản tài trợ trị giá 25 triệu USD cho công tác nhân đạo tại những khu vực bị ảnh hưởng tại hai nước trên, đồng thời cho biết đã cử các nhóm tới đánh giá tình hình thực tế và tham gia hỗ trợ khi cần thiết. Trong khi đó, Tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế thông báo cử 6 đội hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và điều trị khẩn cấp tới các vùng gặp nạn.

Về phần mình, EU đã triển khai 27 đội tìm kiếm cứu nạn và y tế từ 19 quốc gia thành viên tới hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Ủy viên phụ trách xử lý khủng hoảng của EU Janez Lenarcic, khối này cũng "tài trợ để các tổ chức nhân đạo thực hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ" ở Syria, cũng như cung cấp nước hay phân phát chăn.

NATO thể hiện sự đoàn kết với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc triển khai lực lượng gồm 1.400 người từ khắp 20 quốc gia đồng minh và đối tác của NATO tới Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện công tác cứu hộ. NATO cũng sẽ treo cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất này.

Từ châu Âu, Phần Lan cho biết sẽ viện trợ nhân đạo 1 triệu euro (1,07 triệu USD) cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế, trong khi Thụy Điển cũng hỗ trợ 37 triệu kronor Thụy Điển (3,5 triệu USD) cho hai nước này.

Nga và Anh cũng đã điều các nhóm tìm kiếm cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trong khi Đức, Ukraine bày tỏ sẵn sàng "cung cấp sự hỗ trợ cần thiết".

Các quốc gia vùng Vịnh cũng khẩn trương có các biện pháp hỗ trợ công tác cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã công bố khoản viện trợ trị giá 100 triệu USD, chia đều cho 2 quốc gia. Saudi Arabia lập cầu hàng không để cung cấp các dịch vụ y tế, chỗ ở, thực phẩm và hỗ trợ hậu cần để giảm thiểu tác động của trận động đất đối với người dân ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Jordan và Liban đã điều các đội cứu hộ và viện trợ nhân đạo tới hỗ trợ, trong khi Ai Cập triển khai 5 máy bay quân sự chở đầy vật tư y tế đến cả hai quốc gia bị động đất tàn phá. Qatar cũng đã cử 120 nhân viên cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ, cùng "một bệnh viện dã chiến, viện trợ cứu trợ, lều và đồ tiếp tế mùa Đông".

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hai đội tìm kiếm và cứu hộ (tổng cộng 158 người) đã được triển khai tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Lầu Năm Góc và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đang phối hợp với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ về các công tác liên quan.

Trung Quốc cũng đã viện trợ khẩn cấp 5,9 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và điều các đội cứu hộ tới nước này. Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc cho biết Bắc Kinh cũng sẽ điều phối "những cứu trợ thiên tai cấp thiết" cho Syria, nhưng không nêu thông tin chi tiết.

Ngoài ra, các nước như Nhật Bản, Na Uy, Tây Ban Nha, Canada, Algeria, Tunisia cũng đã triển khai các nhóm cứu hộ tới hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Công tác tìm kiếm cứu nạn đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết xấu. Đặc biệt tại Syria, tình trạng thiếu hụt trang thiết bị cứu hộ do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Trung Đông này cũng khiến nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn bị kéo dài.

Trong một tuyên bố ngày 7/2, Bộ Ngoại giao Syria cho biết việc đào bới các đống đổ nát để tìm kiếm nạn nhân hiện được thực hiện bằng tay không hoặc các công cụ thô sơ, các thiết bị phá dỡ cần thiết đều nằm trong diện bị Mỹ cấm vận. Ngoài ra, theo Bộ Ngoại giao Syria, các lệnh trừng phạt cũng ngăn người dân Syria tiếp cận với thuốc men và các thiết bị y tế cần thiết ngăn ngừa nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong thảm họa.

Chủ tịch Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Arab Syria (SARC) Khaled Hboubati ngày 7/2 đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria để tạo điều kiện cho nỗ lực cứu trợ cấp thiết tại quốc gia này. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Damascus của Syria, ông Hboubati nhấn mạnh SARC cần các thiết bị, xe cứu thương và máy móc hạng nặng, nhưng "trở ngại chính là các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Syria, do đó chúng tôi kêu gọi các lệnh trừng phạt này phải được dỡ bỏ ngay lập tức".

Bộ Ngoại giao Iran cùng ngày cũng kêu gọi quốc tế gây áp lực để Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, qua đó mở đường cho viện trợ nhân đạo quốc tế đến với những khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất một cách thuận lợi nhất và trong thời gian ngắn nhất. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - ông Nasser Kanani, các cơ quan chức năng của Iran sẵn sàng viện trợ y tế và hỗ trợ cứu nạn cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hiện Tehran đã triển khai 3 chuyến viện trợ nhân đạo tới Syria sau khi xảy ra thảm họa động đất.

H Lan (Tổng hợp)