Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận: Tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn kho quỹ
Kinh tế - Ngày đăng : 05:21, 09/02/2023
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận, năm 2022 nguồn vốn huy động toàn tỉnh đạt 52.742,6 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 79.869,7 tỷ đồng. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tăng dư nợ cho khu vực thương mại, dịch vụ, nông lâm, thủy sản phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế của địa phương. Vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 73,55% tổng dư nợ, lĩnh vực ưu tiên và gắn với việc thực hiện các chính sách của ngành, địa phương, góp phần khai thác thế mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 42.601,7 tỷ đồng, chiếm 53,34% tổng dư nợ, trong đó cho vay xây dựng nông thôn mới với dư nợ đạt 28.418 tỷ đồng. Cho vay công nghệ cao đạt 290 tỷ đồng, dư nợ cho vay kinh tế trang trại 21,5 tỷ đồng.
Việc thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển công nghệ, dịch vụ ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo an toàn kho quỹ được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận thực hiện khá tốt.
Ông Bùi Xuân Chỉnh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận cho biết: Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2637 thực hiện chiến lược tài chính toàn diện theo Quyết định số 149 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của kế hoạch nhằm giúp cho mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Trong đó đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính như người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác…
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận cùng các đơn vị trong ngành trên địa bàn đã tích cực triển khai thực hiện đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động. Phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, làm tốt công tác thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó còn tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ, đảm bảo hoạt động thanh toán ổn định, an toàn, thông suốt, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư, hướng tới một xã hội số, kinh tế số, cũng như thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Các chi nhánh ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt như: thanh toán nội bộ trong hệ thống, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ, chuyển khoản trực tiếp trên máy rút tiền tự động ATM, lắp đặt máy POS tại các siêu thị, cửa hàng để thanh toán tiền mua hàng hóa, trích tiền tự động thanh toán hóa đơn tiền điện (Youautopay E), tiền nước, tiền điện thoại... hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động thông suốt. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh, mạng lưới ATM, POS hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn trong các dịp lễ, tết. Thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội trên địa bàn có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan và đã đạt được những kết quả tích cực, hầu hết các mục tiêu đã đề ra đều hoàn thành. Trong công tác điều hòa tiền mặt, công tác an toàn kho quỹ tiếp tục được thực hiện tốt, không để phát sinh trường hợp gián đoạn trong việc cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế...