Vì một Mũi Né xanh, sạch, đẹp, văn minh
Du lịch - Ngày đăng : 05:50, 09/02/2023
Khu du lịch quốc gia Mũi Né
Những ngày đầu xuân 2023, sau 3 năm đại dịch Covid-19 kìm hãm phát triển kinh tế của nhiều địa phương nói riêng và quốc gia, vùng lãnh thổ nói chung. Tôi đến phường Mũi Né (TP. Phan Thiết), nơi nằm trong lòng Khu du lịch quốc gia Mũi Né nổi tiếng của Bình Thuận để tìm hiểu về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự giữa lúc ngành chức năng xử lý nghiêm tình trạng cân thiếu hải sản ở Làng Chài ồn ào trên mạng xã hội.
Nơi đây có tổng diện tích tự nhiên 3.436,6 ha giáp ranh với nhiều xã, phường, trong đó có phường Hàm Tiến. Cả 2 phường đều là trọng điểm du lịch, về mặt địa giới hành chính là 2, nhưng ở khía cạnh du lịch là một, nên có tên gọi chung là Khu du lịch Mũi Né. Bắt nguồn từ sự kiện nhật thực toàn phần vào mùa đông năm 1995. Nhiều cơ sở du lịch mọc lên như nấm sau mưa ở phường Hàm Tiến rồi đến phường Mũi Né thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu “Thủ đô resort Hàm Tiến - Mũi Né”.
Nhưng ở bài viết này tôi viết về phường Mũi Né, nơi dân số đông và điểm đến đa dạng với Đồi Cát Bay, Hòn Rơm, Làng Chài kỳ thú trên các tuyến ven biển uốn lượn quanh co, trải dài ngút mắt. Ông Trần Quang Thọ - Trưởng Khu phố 1, phường Mũi Né, từng một thời dầm mình trong nắng gió ngoài khơi xa đánh bắt sản vật biển nói: Cảnh quan Mũi Né đẹp!. Nhất là Làng Chài, nơi đứng trên bờ kè cao phóng tầm mắt nhìn đại dương mênh mông, ngắm bình minh lên mỗi sớm mai và chiều hoàng hôn buông xuống, ghe thuyền ra vào tấp nập trên những con sóng lấp lánh như ánh sao.
Ngoài vẻ đẹp cảnh quan, còn vẻ mộc mạc thật thà, chân chất của con người nơi đây, lộ rõ trong dòng người ngược xuôi ở bất cứ con phố hay điểm đến nào, cả chợ Mũi Né. Người dân Mũi Né phần lớn là ngư dân, bạn của biển cả. Cũng như đời ngư phủ ở nơi khác, họ bám biển cho đến khi không đủ sức thì truyền lại cho con, cháu rồi lui về làm hậu phương. Biển những năm gần đây tôm cá không còn dồi dào như trước kia do khai thác quá mức. “Phần lớn người dân ở đây đánh bắt gần bờ, nghề biển bây giờ cho thu nhập thấp. Các con tôi đi biển, có khi đánh bắt được chỉ đủ tiền xăng dầu chạy ghe, có khi chẳng đánh bắt được gì, nói chung là bấp bênh…”, ngư dân Trần Văn Ba, 59 tuổi, người có làn da rám nắng, cử chỉ thân thiện, dễ gần nói.
Chuyển biến trong môi trường, an ninh
Môi trường và an ninh trật tự ở đây chuyển biến hơn nhiều so với những năm trước. Nếu như trước kia ở khu vực vòng xoay gần UBND phường Mũi Né chưa đẹp mắt thì nay đã phong quang. Đồi Cát Bay không còn cảnh chèo kéo khách thuê ván trượt cát, trộm cắp đã giảm. Trưởng Công an phường Mũi Né - Trung tá Nguyễn Minh Sơn cho hay, thời gian qua Công an phường đã bám sát địa bàn, vận dụng các biện pháp nghiệp vụ, liên tục tấn công trấn áp các loại tội phạm. Cho đến nay, tệ nạn xã hội giảm nhiều, an ninh chính trị được đảm bảo, ổn định. Chỉ còn một số vấn nạn như cờ bạc, đá gà đôi lúc còn xảy ra, đặc biệt một bộ phận người bán hải sản không trung thực ở khu vực Làng Chài, một trong những điểm đến đẹp.
“Làng Chài là một điểm đến nổi tiếng, du khách trong và ngoài nước thường đến đây mua hải sản, ngắm cảnh quan, quay phim, chụp hình đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Nhưng một số người dân buôn bán hải sản ở đây chủ quan, chưa ý thức được điều đó, nên thỉnh thoảng xảy ra chuyện đáng tiếc”, ông Trần Quang Thọ chia sẻ. Rồi mở rộng câu chuyện của mình: Ngày xưa Làng Chài hoang sơ không có hàng quán mọc lên, bà con ngư dân trong phường thật thà chất phác, cứ ra khơi đánh bắt rồi trở về bãi biển Làng Chài, ai mua thì bán còn không thì đem ra chợ Mũi Né. Sau này khách du lịch đến tham quan đông nên một số người dựng hàng quán buôn bán hải sản, chiếm hết chỗ để thúng chai, vá lưới... chuẩn bị cho chuyến ra khơi, nảy sinh lòng tham cân gian, cân thiếu.
Nhưng tôi nghĩ, những tồn tại ấy phải thay đổi để góp phần xây dựng Làng Chài nói riêng, cả phường Mũi Né nói chung văn minh hơn. Làm được vậy chính người dân chúng ta được hưởng lợi với công ăn việc làm ổn định từ du lịch, nếu không sẽ mất khách, đồng nghĩa với thất nghiệp, nghèo đói đeo bám, luẩn quẩn trong thiếu thốn, lạc hậu. Bởi phường Mũi Né là điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới, trên cộng đồng mạng, chứ không còn như thời điểm đến “ao làng” trước kia, ông Thọ nhấn mạnh thêm.
Xanh sạch đẹp, văn minh
Giọng ông Thọ vang mãi trong tôi cho đến khi gặp ông Hưng, 50 tuổi, người nằm trong số những người buôn bán hải sản ở Làng Chài. Ông từng có lúc cân thiếu cho khách, nhưng nay đã từ bỏ. “Buôn bán kiểu ấy thấy thất đức... thiếu rồi thì cuộc đời thiếu hoài nên tôi không làm kiểu đó nữa. Nhưng trong một môi trường buôn bán đa phần người không có quan niệm như mình thì rất khó kinh doanh... “, ông Hưng chia sẻ thêm, có thể tôi sẽ chuyển công việc khác, nếu ngành chức năng cấm buôn bán hải sản ở Làng Chài.
Việc nghiêm cấm ấy không chỉ ông Hưng mà rất nhiều người khác đều nhận thấy là đúng vì tình trạng cân gian đã “quá tam ba bận”, ảnh hưởng không chỉ danh dự người dân Mũi Né, điểm đến của phường mà còn cho cả ngành du lịch của tỉnh. “Chúng tôi đã kiến nghị với UBND thành phố, không cho người dân buôn bán hải sản ở đây. Vì còn cảnh buôn bán này ngày nào còn xảy ra nạn cân gian ngày đó”, ông Phạm Quốc Bảo – Phó Chủ tịch UBND phường Mũi Né nói.
Giữa nắng xuân ấm áp, biển trong xanh phẳng lặng như gương, tôi thấy bóng phường Mũi Né nghiêng mình trong đó với những ước vọng trở thành thiên đường đáng sống với không tệ nạn xã hội, môi trường xanh, sạch đẹp trong tương lai. Điều đó sẽ đến khi nhiều dự án triển khai trong nay mai, trước mắt về phía phường đã và đang có ý tưởng “khoác” cho Làng Chài “chiếc áo mới” sau khi UBND thành phố cho phép loại bỏ hết những hàng quán tự phát mất mỹ quan và chỉnh trang nhiều điểm chưa phù hợp khác, đảm bảo an ninh trật tự... Đây cũng là việc sớm hay muộn gì cũng phải làm, bởi 2023 là năm Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia và để xứng tầm với tên gọi Khu du lịch quốc gia Mũi Né.
Bí thư phường Mũi Né Đỗ Quốc Bảo chia sẻ, những năm qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực đảm bảo an ninh, tạo môi trường cảnh quan trên địa bàn phường. Song điều quan trọng hơn cả đó là ý thức của mỗi người dân trên địa bàn. Mỗi người đều thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc đóng góp cho sự phát triển chung vì một Mũi Né “xanh – sạch – đẹp, văn minh”.