Tánh Linh: Nông dân với nỗi lo chuột cắn phá lúa

Kinh tế - Ngày đăng : 05:23, 10/02/2023

Hiện nay nhiều diện tích lúa đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh của nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Tánh Linh đã và đang bị chuột cắn phá, mặc dù bà con đã sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột nhưng vẫn chưa hề thuyên giảm. Nông dân đang lo lắng cho kết quả sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023.

Gia đình ông Nguyễn Văn Phổ, thôn 3, xã Măng Tố trong vụ đông xuân này sản xuất 3 ha lúa tại cánh đồng K7 hay còn gọi cánh đồng Bàu Tre, giống lúa gieo sạ ML 202. Mặc dù ruộng lúa của gia đình ông Phổ cách kênh chính Bắc không xa nhưng, do vị trí ruộng nằm trên cao nên không sử dụng nước trực tiếp từ kênh thủy lợi được mà phải dùng máy bơm Diezel bơm. Hiện tại cây lúa đã hơn 20 ngày tuổi, bón phân 2 lần. Từ khi xuống giống đến nay lúa liên tục bị chuột cắn phá. Ông cũng đã sử dụng thuốc để diệt chuột nhưng hiệu quả không cao. Gia đình phải bỏ nhiều công để cấy dặm lại những nơi bị chuột cắn phá nhiều. Các hộ khác có ruộng lúa trong khu vực này với diện tích khoảng 30 ha cũng đều bị chuột cắn phá như gia đình ông Phổ.

8-2-dung-bat-ny-lon-che-chan-quanh-ruong-lua.jpg

Tại cánh đồng xã Đức Bình, dọc theo bờ ruộng, chúng tôi nhận thấy những tấm ny lon màu trắng như những cây cờ bay phần phật trong gió. Ông Phạm Lộc, đang sửa lại nhưng tấm bạt ni-lon bị gió mạnh quật ngã chia sẻ: Chuột cắn phá mạnh khi lúa ở giai đoạn mạ, hiện tại lúa của gia đình với diện tích 9 sào đang trong giai đoạn đẻ nhánh cũng còn bị chuột cắn phá từ bờ ruộng vào khoảng 2 m. Gia đình đã sử dụng một số biện pháp thủ công để diệt chuột nhưng do ruộng lúa cạnh bờ mương nên vẫn bị chuột gây hại.

Để ngăn chặn tình trạng phá hoại của chuột trên trà lúa đông xuân, nhiều hộ nông dân đã dùng các biện pháp thủ công để diệt chuột như dùng bạt ni-lon che chắn xung quanh thửa ruộng không cho chuột vào, sử dụng thuốc diệt chuột, thậm chí có hộ dùng bình kích điện để tiêu diệt chuột. Tuy nhiên cũng chỉ được một vài ngày là chuột không biết từ đâu xuất hiện trở lại và tiếp tục cắn phá cây lúa.

8-2-nong-dan-dung-bat-ny-lon-troi-chuot.jpg

Ông Nguyễn Kim Thành – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh cho biết: Để tiêu diệt chuột một cách đồng loạt, hiệu quả, hàng năm ủy ban nhân dân huyện đều ban hành kế hoạch và chỉ đạo các địa phương đồng loạt ra quân diệt chuột bằng nhiều cách như: tổ chức phát quang bụi rậm ở các kênh mương thủy lợi, đào hang bắt chuột, hun khói, đặt bẫy… để diệt chuột. Bằng phương pháp diệt chuột thủ công như đã nêu, nông dân ở các địa phương đã diệt rất nhiều chuột. Vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn huyện sản xuất 9.200 ha lúa, tăng 240 ha so với vụ đông xuân năm trước. Hiện tại cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Thời gian qua, đơn vị đã cử cán bộ thường xuyên thăm đồng để nắm bắt tình hình các loại thiên địch gây hại trên cây trồng, nhất là cây lúa. Khi phát hiện có chuột cắn phá hoặc sâu bệnh gây hại là phải thông báo để nông dân biết, đồng thời khuyến cáo hướng xử lý. Về chuột gây hại thì so với các vụ lúa trước thì vụ đông xuân này chuột cắn phá ít hơn. Chuột cắn phá nhiều chủ yếu ở những chân ruộng gò cao, sát bờ mương, còn những chân ruộng lúc nào cũng có nước thì ít bị chuột cắn phá hơn. Nhờ bà con nông dân quan tâm sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột nên hiện nay chuột đã thuyên giảm. Tuy nhiên, đơn vị cũng khuyến cáo bà con nông dân tiếp tục quan tâm diệt chuột bằng những phương pháp thủ công. Tuyệt đối không được sử dụng bình kích điện để diệt chuột vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người - ông Thành cho biết như thế.

Ngọc Khánh