Chuyện về người may áo vua Chăm
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:33, 10/02/2023
Khác với các bảo tàng khác, khi nội dung đã chuẩn bị trước vài chục năm với nhiều bộ sưu tập hiện vật, tư liệu, hình ảnh… để lựa chọn trưng bày thì mới xây dựng nhà trưng bày; với bảo tàng này lại khác đi tức là xây dựng sắp hoàn chỉnh mới tổ chức nghiên cứu sưu tầm hiện vật. Do vậy, ngoài kiến trúc ngôi nhà thì nội dung trưng bày chưa có gì. Không gì hơn là ý tưởng phục chế lại một số cổ vật chính trong bộ sưu tập hoàng tộc Chăm đang lưu giữ ở làng Tịnh Mỹ và các sưu tập tượng thờ ở đền thờ vua Chăm Pô Nit và đền thờ vua Pô Klong Mơh Nai.
Ý tưởng phải phục chế hoàn thiện được chiếc áo bào vua Chăm thế kỷ 17 không phải chỉ là duy nhất ở Bình Thuận mà là trên phạm vi cả nước. Vì chưa có nơi nào làm được việc này kể từ thời vương quốc Chămpa tan rã và được sáp nhập vào Đại Việt.
Ai cũng biết là việc may áo và các loại trang phục cho bất cứ vị vua của quốc gia nào cũng được triều đình rất coi trọng; từ việc chọn vải, kiểu, trang trí nghệ thuật, thêu… Do vậy, ngay từ khi vua còn sống cũng đã khó kiếm được nghệ nhân may và thêu thùa, huống chi đã gần 400 năm rồi.
Xác định điểm nhấn của nội dung thể hiện phải là đại diện của bộ sưu tập di sản hoàng tộc Chăm. Trong đó chọn sưu tập của vua Pô Klong Mơh Nai bao gồm vương miện vua và hoàng hậu, đôi hia và một số trang phục của vua Chăm. Khó nhất là phải phục chế chiếc áo của nhà vua lúc sinh thời ở đầu thế kỷ 17, là chiếc áo long bào mặc trong lễ thiết thường triều, lễ lạc.
Tuy nhiên, hậu duệ hoàng tộc Chăm nhất quyết không cho mượn và kiên quyết không cho đưa những di sản đó ra khỏi nơi lưu giữ vốn được bảo quản nghiêm ngặt gần 400 năm qua. Thuyết phục mãi, cuối cùng đại diện hậu duệ hoàng tộc Chăm chỉ đồng ý cho lấy mẫu một số cổ vật tại nhà. Một số cổ vật bằng kim loại và gốm sứ có thể lấy khuôn tại chỗ để cho ra sản phẩm bản sao bằng chất liệu Compozit (Composite); còn trang phục bằng vải thì làm sao lấy khuôn được, khó khăn vô cùng bởi đa phần đều bị mục nát. Phần khác là sự tiếp cận chúng cũng rất khó do tâm linh tín ngưỡng, quan niệm và sự kiêng cử của dòng tộc trong việc lưu giữ, bảo quản di sản vua chúa xưa.
Chúng tôi đặt vấn đề với nhiều thợ dệt giỏi và có thâm niên ở huyện Bắc Bình nhưng không ai nhận lời với nhiều lý do: Vì kiểu cách quá khó, không có loại vải gấm xưa và giá trị như thế; ngại và sợ nhất đối với họ là may, thêu áo vua từ xưa không phải do người dân làm mà phải do người thợ của triều đình hoặc là người trong hoàng tộc.
Trong lúc khó khăn như vậy, tôi chợt nhớ ra những năm 1982-1988 khi đang cùng đoàn chuyên gia Ba Lan và Bộ Văn hóa Thông tin trùng tu tháp Pô Klong Garai ở Phan Rang, đã nghe tiếng và nhiều lần đưa chuyên gia Ba Lan tham quan làng dệt Mỹ Nghiệp, đã đến nhà bà Phú Thị Mỡ nhiều lần. Thời kỳ đó kinh tế rất khó khăn, nhưng trong nhà bà vẫn có gần chục khung cửi dệt thủ công với nhiều thợ dệt. Sản phẩm gồm các loại thổ cẩm và có cả một số hàng dệt cao cấp bán cho khách du lịch.
Khi đặt vấn đề phục chế áo vua, bà từ chối ngay, cũng với những lý do như một số thợ dệt ở Bắc Bình nêu ra. Bà còn nói là ngày xưa các nghệ nhân may, thêu áo cho vua phải là những người có thứ bậc trong nghề dệt. May áo cho vua còn sống không sao, nhưng khi vua đã mất thì không ai dám làm. Bà còn nói thêm từ xưa người đóng thế vua trong lễ lạc đều phải mang mặt nạ hoặc thứ gì đó che khuôn mặt, hay là hóa trang cho khác đi. Nếu khi vua “bắt” đi theo là “bắt” người khác như khi hóa trang chứ không phải là mình.
Nhiều lần đặt vấn đề như thế nhưng bà không nhận lời. Chúng tôi phải nói khó để chồng bà là ông giáo Lâm Gia Tịnh - một nhà giáo và người am hiểu lịch sử, văn hóa nghệ thuật về văn hóa Chăm và là người có uy tín trong cộng đồng lựa lời nói và động viên bà nhận phục chế áo vua, xem đây là niềm vinh hạnh cho gia đình và cá nhân bà. Dù bà nhận lời nhưng vẫn lo lắng, phân vân và bà nói trách nhiệm phải làm nhưng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bà.
Chúng tôi đưa bà Phú Thị Mỡ từ làng dệt Mỹ Nghiệp vào làng Tịnh Mỹ khảo cứu sưu tập trang phục hoàng tộc Chăm xưa. Chúng tôi chọn áo vua Pô Klong Mơh Nai (1612 - 1627) để thực hiện bởi đây chính là áo vua mặc trong những buổi thiết triều và là chiếc áo có giá trị về lịch sử, chất liệu, kiểu cách và nghệ thuật hội họa, may, thêu còn lại đến nay.
Theo bà Phú Thị Mỡ thì loại vải này mua từ nước ngoài, cùng thời điểm này nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đa phần trang phục vua Chăm thời điểm đó là vải gấm có nguồn gốc vải từ nước ngoài, là vải ikat của Indonesia và Campuchia, vải batik của người Java. Vải gấm là chất liệu có nguồn gốc tự nhiên được dệt từ sợi tơ tằm, ngày xưa vua chúa có điều kiện mới sử dụng trang phục làm từ chất liệu này.
Sau khi nhận lời bà đi nhiều nơi, vào cả Sài Gòn, tìm các loại vải và hoa văn xưa của người Mã lai, Indonesia… trước giải phóng còn thấy nhưng nay không có. Cuối cùng cũng tìm được loại vải gấm cho việc may áo vua. Bà Mỡ đo và vẽ lại những trang trí trên nền áo gốc: Trên ngực và vai có thêu 2 con Makara quấn quanh, 2 tay áo cũng thêu makara, áo xẻ hai bên từ nách xuống, lai áo lớn và thêu nhiều hoa thị chạy xung quanh, nhiều đường kim tuyến, hạt kim sa bên ngoài và lớp vải lót trong mỏng, dạng lụa màu cam đỏ… tất cả các công đoạn từ thêu, may, lắp ghép đều làm bằng thủ công.
Trước khi phục chế áo vua, bà Mỡ mang lễ vật lên đền thờ Pô Bia Sôy (Theo truyền thuyết là con gái của Nữ thần Pô I nư Nagar - vị thần Thiên y Ana) tại làng Bỉnh Nghĩa, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận để dâng cúng. Vì đây được xem là vị Thần tổ nghiệp nghề dệt mà người Chăm tôn thờ. Bà còn hứa là sẽ may 2 áo giống nhau, một giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và một là cúng cho vua Pô Klong Mơh.
Gần một năm sau chiếc áo vua chúng tôi đặt hàng cho bà Phú Thị Mỡ đã hoàn thiện cùng với những trang phục khác, kịp trưng bày ở gian trung tâm của Bảo tàng văn hóa Chăm góp phần quan trọng cho nội dung trưng bày tổng thể.
Năm 2010 bảo tàng khánh thành thì năm 2011 bà Phú Thị Mỡ mất do đột quỵ. Không biết có ứng với lời bà nói trước đó khi chúng tôi đặt may áo cho vua hay không, khi bà nói: “Từ xưa người đóng thế vua trong lễ lạc đều phải mang mặt nạ hoặc thứ gì đó che khuôn mặt, hay là hóa trang cho khác đi. Nếu khi vua “bắt” đi theo là “bắt” người khác như khi hóa trang chứ không phải là mình”. Nhắc lại việc này tôi thấy đúng như bà nói. Sau này tôi cũng nghe anh Thiện (cháu nội bà Thềm) nói thêm, khi ra xem áo đã may sắp xong chưa, anh Thiện nghe bà Mỡ nói: “Chắc làm xong áo bào này cho vua, bà cũng phải về nhà thôi (tức là chết) để may lại trang phục cho các vị vua Chăm...”. Anh Thiện còn nói là lời nói ấy rất ứng nghiệm và đã xảy ra đúng như vậy.